Không vì lợi ích cục bộ của EVN làm phương hại an ninh năng lượng quốc gia

Thứ Sáu, 01/06/2012, 10:01
Quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội khẳng định, trong điều kiện ngành Điện còn độc quyền (tập trung vào vị thế của Tập đoàn Điện lực - EVN) thì việc đưa giá điện theo thị trường cần có lộ trình, giai đoạn tới nhất thiết phải đảm bảo sự quản lý của Nhà nước. Nếu buông, chỉ có lợi cho doanh nghiệp độc quyền (EVN), trong khi an ninh năng lượng quốc gia bị ảnh hưởng lớn.

Tại tờ trình về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 31/5 thì: giá bán lẻ điện được điều chỉnh trên cơ sở giá bán điện bình quân. Khi có biến động các thông số đầu vào cơ bản của khâu phát điện, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh. Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là ba tháng. Trường hợp giá bán điện bình quân tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, EVN được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo.

Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ biến động làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Khi EVN còn độc quyền, giá điện phải đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Bàn về giá điện, Ủy ban KH,CN &MT đề nghị giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành lĩnh vực điện theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân. Tuy nhiên cần phải lưu ý, để phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành Điện nước ta, theo Quyết định số 26/2006/QĐ/TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 giai đoạn với cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau năm 2022). Như vậy phải đến sau năm 2022 Việt Nam mới có thể có thị trường điện hoàn chỉnh. Nghĩa là, trong nhiều năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của doanh nghiệp lớn, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp về giá.

Về giá bán lẻ, Ủy ban KH, CN&MT cho rằng, ngành Điện hiện nay và thời gian tới vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá tất dẫn tới tình trạng áp giá độc quyền. Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá. Về cơ cấu giá điện, theo lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, trước mắt giá phát điện được xác định theo cơ chế thị trường. Với giá bán lẻ điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo nơi không có lưới điện quốc gia mà việc đầu tư không hiệu quả thì “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực”.

Dự luật bỏ quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện. Theo ông Phan Xuân Dũng, bỏ quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện vì trên thực tế, việc quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh đã bao hàm quy hoạch điện lực cấp huyện, cán bộ chuyên ngành cấp huyện còn nhiều hạn chế. Chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố là 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo, là bộ phận không thể tách rời với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, gắn với quy hoạch của các nguồn năng lượng như dầu, khí, nhiệt than… Thực tế, các dự án sản xuất điện hạt nhân, sản xuất điện gió… đã và đang được triển khai, đã xác định ưu tiên phát triển.

Quốc hội sẽ thảo luận dự án vào ngày 6/6 tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Mỗi năm phạt 784 tỉ đồng tiền thuế

Qua hơn 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế đã thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế quản lý theo chức năng và hướng tới quản lý rủi ro dựa trên cơ sở thông tin về người nộp thuế. Đã thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế bình quân 33.709 doanh nghiệp/năm; phát hiện truy thu bình quân 3.965 tỉ đồng/năm, phạt bình quân 784 tỉ đồng/năm.

Về quản lý nợ thuế, tỷ trọng nợ thuế trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm dần qua các năm… Việc sửa đổi lần này theo hướng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Từ thực tiễn cho thấy có một số nội dung chưa cụ thể, chưa sát thực tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể rất thấp

Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) nhằm phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, phát triển rộng khắp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả điều tra toàn diện hợp tác xã trên cả nước năm 2008 và khảo sát thực tiễn tại 58 tỉnh, thành phố, nghiên cứu chủ trương của Đảng về kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã năm 2003 và các văn bản có liên quan cho thấy những yếu kém kéo dài của khu vực hợp tác xã. Trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý yếu, chất lượng, hiệu quả hoạt động nói chung thấp. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể rất thấp (bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế và thấp so với các thành phần kinh tế khác. Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới, trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ.

Quý Trường
.
.
.