Không thể tăng thuế để bù hụt thu ngân sách
Tại buổi Tọa đàm “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức tại Hà Nội mới đây, TS Lương Văn Khôi (Trưởng ban Kinh tế thế giới của NCIF) cho biết: Tới thời điểm này, mọi dự báo về giá dầu của các tổ chức trong và ngoài nước đều sai. Thực tế giá dầu thô thế giới giảm mạnh và sâu hơn rất nhiều các dự báo trước đó.
Cũng theo phân tích của TS Khôi, nếu giá dầu thô thế giới còn 50 USD/thùng, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu hơn 6.600 tỷ đồng; nếu giá dầu 40 USD/thùng thu ngân sách Nhà nước mất 7.600 tỷ đồng; nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu hơn 8.600 tỷ đồng.
Cùng với đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ mất từ 1-1,45 tỷ USD. Để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, TS. Khôi và cộng sự đề xuất 2 biện pháp chính là giảm lãi suất cho vay và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, nếu lãi suất cho vay giảm 1%, giá dầu thô là 50 USD/thùng, phần hụt thu ngân sách giảm một nửa (còn 3.100 tỷ đồng); nếu giá dầu thô 40 USD/thùng, ngân sách hụt hơn 4.100 tỷ đồng; giá dầu thô 30 USD, ngân sách hụt hơn 5.200 tỷ đồng.
Ngược lại, nếu tăng thuế VAT thêm 1% so với hiện nay, ngân sách sẽ tăng thu hơn 3.500 tỷ đồng (với giá dầu thô 50 USD/thùng); ngân sách tăng thêm 2.500 tỷ đồng với giá dầu thô 40 USD/thùng và tăng 1.400 tỷ đồng nếu giá dầu thô còn 30 USD/thùng.
Không đồng tình với giải pháp tăng thuế VAT để bù đắp, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: Trong 2 năm tới (2015-2016), giá dầu thô thế giới sẽ chỉ duy trì mức 50-60 USD/thùng (khó lên mức 70 USD/thùng như một số cơ quan Việt Nam dự báo).
Với Việt Nam, sản lượng dầu thô xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn, nhưng đồng thời cũng nhập về 7-8 triệu tấn xăng, dầu thành phẩm mỗi năm.
“Hiện thuế nhập khẩu xăng, dầu khoảng 30%, ngoài ra còn thuế VAT, thuế môi trường… nguồn thu này đóng góp vào ngân sách không hề nhỏ. Khi xem xét về giá dầu thô chúng ta phải đánh giá 2 chiều. Hơn nữa, ngân sách hụt thu 3-4 nghìn tỷ đồng từ dầu thô cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều. Do đó, tôi không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm”- TS Tuyến bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, hụt thu ngân sách từ giá dầu thô giảm không đáng ngại lắm, có thể bù thu từ giảm chi tiêu.
Như ngành Giao thông năm 2014 mới rà soát 25 dự án, đã tiết kiệm được hơn 5.200 tỷ đồng.
“Do đó, nếu chỉ tính hụt thu ngân sách từ giá dầu thô rồi đòi tăng thuế trong nước là không xác đáng. Đặc biệt khi doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Giờ lại tăng thuế, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Thu ngân sách cần theo hướng khoan sức dân, không phải nhân lúc này để xiết sức dân”- TS Hồ chia sẻ.
Cũng theo TS Lưu Bích Hồ, giá dầu giảm là áp lực rất tốt để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững từ tăng năng suất lao động, cải thiện công nghệ, thay vì mãi đào tài nguyên để bán.
Điều này các chuyên gia nước ngoài cũng đã từng nhiều lần cảnh báo, Việt Nam nên giảm khai thác, đừng quá ỷ lại vào nguồn thu từ bán tài nguyên.