Ngành nông nghiệp không thể chỉ ngồi đợi phép mầu

Thứ Ba, 24/03/2015, 10:25
Trong hội nhập quốc tế, điểm yếu nhất của chúng ta là khả năng cạnh tranh, và ngành yếu nhất là nông nghiệp. Đây là một sự thật được nhiều chuyên gia đàm phán quốc tế, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế thừa nhận. Trong khi đó, nông nghiệp lại đang là ngành thu hút nhiều lao động nhất của cả nước (con số ước tính có thể lên đến 70%) và nếu nông nghiệp bị “thôn tính”, đó sẽ là một “thảm họa” cho kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2014, các loại thịt đã giảm giá khá nhiều (đơn cử thịt gà có lúc xuống thấp nhất ở 23.000-24.000đ/kg gà lông màu, trong khi lúc cao điểm có thể lên tới 46.000 đồng/kg), phần lớn do sự cạnh tranh của thịt ngoại. Càng vào cuối năm, thịt ngoại nhập khẩu vào Việt Nam càng nhiều, đặc biệt sau khi Nga cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ, EU, khiến các nhà xuất khẩu chuyển sang Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng.

Với ưu thế về chất lượng, giá cả, thịt ngoại đang dần lấn át thịt nội. Mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu nhưng nhiều loại thịt ngoại nhập vẫn có giá rẻ hơn, như: gà công nghiệp trong nước (nguyên con làm sẵn) ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg tại phía Nam, trong khi thịt gà nhập về chỉ 35.000 đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch hơn 2.350 tấn thịt các loại, trị giá 4,6 triệu USD, nhiều nhất vẫn từ Mỹ, châu Âu.

Ngành Chăn nuôi đã lao đao cạnh tranh với thịt ngoại ngay cả khi thuế chưa hạ bởi các FTA.

Các mặt hàng nhập đều tăng từ khoảng 65%, cá biệt xương bò tăng đến 300%. Theo các nhà nhập khẩu, sở dĩ giá thịt ngoại rẻ hơn thịt nội là do các sản phẩm như đùi gà, cánh gà, chân gà hay tim, lưỡi bò… là phụ phẩm ở nước ngoài, nhưng lại là những sản phẩm đặc sản đối với người dân Việt Nam. Thị trường tiêu thụ tốt, giá cả cạnh tranh, khiến các nhà xuất khẩu đã tìm đến nước ta như một thị trường mới, đầy tiềm năng.

Chia sẻ trong cuộc tọa đàm gần đây nhất về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán và ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán quốc tế của Việt Nam thừa nhận: Có 2 lĩnh vực tương đối “khó”, mà đầu tiên là nông nghiệp, nơi rất khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các nước càng phát triển, nhân công càng tăng thì năng lực cạnh tranh nông nghiệp ngày càng yếu đi, do đó họ còn bảo hộ nông nghiệp nhiều hơn, tức là khả năng cho nông sản Việt Nam xuất vào các nước đó không lớn, nhưng ngược lại, khả năng thực phẩm nước ngoài tràn vào là cực lớn, khi các dòng thuế đều hạ xuống (riêng với TPP, sẽ là khoảng 90% dòng thuế).

Với mác “ngoại”, chất lượng đảm bảo và giá thành còn rẻ hơn sản xuất trong nước, thực phẩm của ta khó có khả năng cạnh tranh. Một chuyên gia ngành Chăn nuôi đã bi quan dự báo, lúc đó tương lai của ngành sẽ “tối như đêm 30”, trước mắt là đối diện với việc nhập thịt gia cầm từ Hàn Quốc, sau nữa là các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi. Trong khi đó, các “căn bệnh” của Việt Nam nhiều năm nay đều đã được chỉ ra là phụ thuộc lớn vào nước ngoài, từ con giống đến thức ăn, mô hình.

Ông Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận tình trạng này và cho biết, Chính phủ đã có tính toán,  nếu “có lao động dôi dư” (do chăn nuôi không cạnh tranh nổi), hi vọng sẽ chuyển sang nuôi trồng những loại cây hoặc thủy sản sẽ có thị trường ổn định. Cùng với đó, “nếu ta phát triển sản xuất sẽ thu hút được lao động dôi dư trong nông nghiệp”. Chúng ta sẽ đàm phán nếu giảm thuế thì cũng phải theo lộ trình dài và ông Khánh “hi vọng lộ trình đủ dài sẽ hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp”.

Một điểm lạc quan khác được ông Khánh đề cập là việc người tiêu dùng Việt Nam sẽ không thay đổi thói quen tiêu dùng trong một sớm một chiều. “Ngành Chăn nuôi ta đang lo ngại thịt gà, thịt lợn của các nước TPP vào Việt Nam, đặc biệt của Hoa Kỳ, nhưng tôi cho rằng, rất nhiều gia đình Việt Nam sẽ ưa gà nuôi hơn gà công nghiệp, thịt tươi hơn là thịt đông lạnh, thịt lợn cũng vậy. Tất nhiên, thói quen tiêu dùng có thể thay đổi trong tương lai, khi công nghiệp hóa ở mức độ cao, nhưng ít nhất hiện tại thói quen đó sẽ rất khó thay đổi”.

“Chúng ta là nước nông nghiệp, hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu…, không có có gì ta không cạnh tranh được thịt gà, thịt lợn” – ông Khánh lạc quan.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên đều là kỳ vọng, và những khả năng xấu cũng có cơ hội xảy ra ngang với khả năng tốt, thậm chí nhiều hơn. Do đó, không thể ngồi đợi “một thế hệ doanh nhân năng động xuất hiện”, hay nhờ cậy vào việc các bà nội trợ sẽ chọn thịt nội vì thói quen và lòng yêu nước. Việc cần làm cấp bách vẫn là tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất, phá vỡ thế độc quyền của các công ty nước ngoài trên thị trường thức ăn chăn nuôi (hiện đang bị điều khiển bởi một số công ty FDI chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá lỏng lẻo, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước), trong khi chi phí này chiếm tới khoảng 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi....

V. Hân
.
.
.