Không phải buôn lậu, hàng vẫn bị tịch thu

Thứ Năm, 23/04/2009, 09:03
Mặc dù chủ phương tiện đã xuất trình bản sao các tờ khai hải quan để chứng minh nguồn gốc lô hàng 68 tấn phân urê của Công ty Phước Hồng, xong Chi cục trưởng QLTT Hải Phòng vẫn cho rằng Công ty TNHH Phước Hồng có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, cuối cùng ký Quyết định số 0008991/QĐ-XPHC xử lý lô hàng phân urê nhập khẩu của Công ty theo hình thức một vụ việc buôn lậu.

Toà phúc thẩm-TAND Tối cao vừa tiến hành xử phúc thẩm vụ Công ty TNHH Phước Hồng (trụ sở 392 Lạch Tray - Hải Phòng) khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng, ông Nguyễn Bình Minh đã ký quyết định số 0008991/QĐ-XPHC ngày 20/11/2007 về việc xử phạt hành chính 23 triệu đồng và tịch thu trên 68 tấn phân urê của Công ty nhập khẩu từ Trung Quốc về cảng Vật Cách - Hải Phòng.

HĐXX đã tuyên: Việc QLTT ra quyết định phạt tiền (15/23 triệu đồng) và tịch thu 68 tấn phân urê là không đúng. Yêu cầu cơ quan này phải hoàn trả lại hàng hoá và số tiền trên cho doanh nghiệp.

Không phải buôn lậu, hàng vẫn bị tịch thu

Vào thời điểm năm 2007, Chính phủ đã phải hạ thuế suất nhập khẩu mặt hàng phân urê xuống mức 0%, khuyến khích các doanh nghiệp không thuộc Hiệp hội phân bón tham gia nhập khẩu để bình ổn thị trường. Theo định hướng đó, Công ty TNHH Phước Hồng và nhiều doanh nghiệp khác đã đầu tư rất lớn về kinh phí để nhập khẩu phân urê từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh để cung ứng kịp thời cho mùa vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhập khẩu phân bón về cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, quá trình vận chuyển lô hàng 570 tấn urê nhập khẩu (từ ngày 23/8/2007 đến ngày 8/9/2007) đã hoàn thành thủ tục hải quan tại Móng Cái về kho doanh nghiệp tại Hải Phòng trong chuyến hàng cuối cùng đang được bốc xếp tại cảng Vật Cách, lô hàng 68 tấn phân urê của Công ty Phước Hồng đã bị Đội QLTT số 1 - thuộc Chi cục QLTT Hải Phòng kiểm tra vì nghi ngờ đây là hàng lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện đã xuất trình bản sao các tờ khai hải quan để chứng minh nguồn gốc lô hàng, đại diện chủ hàng cũng đã giải trình do chỉ có 5 bản tờ khai gốc, trong khi hàng phải vận chuyển bằng đủ loại phương tiện, sà lan, tàu nhỏ và ôtô với hàng chục lượt nên không thể để bản chính đi kèm theo phương tiện.

QLTT "quay" tiếp rằng phân urê nhập khẩu là đối tượng hàng hoá phải gắn tem nhãn phụ nhưng khi kiểm tra, chỉ có nhãn phụ gửi kèm theo mà không gắn lên bao là vi phạm. Doanh nghiệp giải thích: đặc điểm mặt hàng phân urê là ẩm ướt, lại chứa trong bao bì nhựa BP nên không thể dán nhãn phụ trực tiếp lên vỏ bao mà chỉ có thể gửi kèm. Doanh nghiệp cũng xuất trình các công văn của Bộ NN-PTNT, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về việc thống nhất không bắt buộc phải gắn nhãn phụ lên bao bì phân urê nhập khẩu.

Tuy nhiên, Chi cục trưởng QLTT Hải Phòng vẫn cho rằng Công ty TNHH Phước Hồng có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại song cuối cùng lại ký Quyết định số 0008991/QĐ-XPHC xử lý lô hàng phân urê nhập khẩu của Công ty theo hình thức một vụ việc buôn lậu. Cụ thể: phạt không gắn tem nhãn phụ: 8.000.000 đồng; phạt không xuất trình ngay bản giấy tờ gốc: 15.000.000 đồng; phạt bổ sung: tịch thu 68 tấn phân urê (số phân này đã được phát mại).

Sự phán quyết đúng đắn

Không chấp nhận với phán quyết của phiên tòa sơ thẩm, Công ty TNHH Phước Hồng đã kháng cáo lên Toà phúc thẩm - TAND Tối cao. Lẽ ra, vụ kiện đã kết thúc từ ngày 9/3/2009 nhưng lần triệu tập đầu tiên, HĐXX phải ngồi đợi đến hết buổi sáng vẫn không thấy bóng dáng bị đơn (Chi cục trưởng Nguyễn Bình Minh hoặc người được ủy quyền) không xuất hiện, khiến phải đình hoãn phiên toà sang ngày khác.

10 ngày sau, (19/3) phiên phúc thẩm được mở lại. Lần này, người được ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chi cục trưởng QLTT Hải Phòng đã có mặt. Nhưng những lý giải của ông Lộc trước toà khiến hội trường những người có mặt phải ngạc nhiên.

Khi toà hỏi 68 tấn urê tịch thu có phải do buôn lậu mà có hay không? Ông Lộc cho rằng, doanh nghiệp không buôn lậu nhưng vẫn tịch thu vì đó là hàng lậu. Song, để khách quan, HĐXX tạm hoãn việc tuyên án, yêu cầu các bên nguyên, bị đơn cần bổ sung thêm hồ sơ vụ việc để phục vụ cho việc xử lại vào ngày 16/4/2009.

Theo HĐXX Toà phúc thẩm, sai phạm nhất của Chi cục QLTT Hải Phòng là không báo cáo kết quả xác minh hồ sơ nhập khẩu của Công ty tại Chi cục Hải quan Móng Cái với UBND TP Hải Phòng, các ban, ngành chức năng, cố tình làm phức tạp vụ việc bằng cách viện dẫn một loạt các văn bản pháp quy không đúng với bản chất sự việc để thực hiện ý chủ quan của mình: Phải tịch thu bằng được 68 tấn phân urê nhập khẩu.

Chính vì vậy, HĐXX Toà phúc thẩm đã bác bỏ những phần trái quy định pháp luật của Quyết định số 0008991/QĐ-XPHC ngày 20/11/2007 của Chi cục trưởng QLTT Hải Phòng về việc xử phạt 15 triệu đồng hành vi không xuất trình kịp thời chứng từ gốc tại thời điểm kiểm tra và tịch thu 68 tấn phân urê. Toà chỉ chấp nhận mức phạt 8 triệu đồng đối với hành vi không gắn nhãn phụ lên hàng hoá nhập khẩu. Yêu cầu Chi cục QLTT phải hoàn trả lại số tiền phạt trái quy định và 68 tấn phân urê đã tịch thu của doanh nghiệp

Lê Minh Triết
.
.
.