Năm 2011, chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường:

Không làm khó người thu nhập thấp

Thứ Hai, 10/01/2011, 14:30
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về phương án quản lý, kiểm soát giá cả, hàng hóa năm 2011. Theo đó, năm 2011 tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Điều chỉnh giá chủ động hơn

Nhà nước sẽ chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá. Tuy nhiên, trước mắt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão giữ bình ổn giá các mặt hàng: điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch, cước vận tải hành khách bằng đường sắt, đường hàng không,… các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ; phấn đấu giảm chi phí sản xuất và giá thành, đồng thời đi đôi với các chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách như: từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp, chuyển dần hình thức bao cấp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ về giá điện sinh hoạt, giá nước sạch cho sinh hoạt đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, đảm bảo để những đối tượng này được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu về học hành, khám chữa bệnh, nhà ở, điện nước,…

Theo Bộ Tài chính, nhờ sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và sự nỗ lực của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và của toàn xã hội, với những giải pháp đồng bộ về tiền tệ, tài khóa, cân đối cung cầu hàng hóa,… nền kinh tế năm 2010 đã đạt được những kết quả khả quan: Tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,78%; kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Diễn biến giá cả thị trường năm 2010 tuy có tăng nhưng không xảy ra đột biến tại các địa phương.

Theo phân tích của các chuyên gia, thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, 10, 11 và 12/2010 tăng cao nhưng chủ yếu là do chi phí học tập đầu năm học tăng; tác động của giá lương thực và một số nguyên, nhiên liệu thế giới tăng, tỉ giá VND/USD biến động tăng, giá vàng tăng tác động trực tiếp và tâm lý người dân đẩy mặt bằng giá thị trường một số hàng hóa, dịch vụ tăng theo.

Giá xăng dầu luôn là tâm điểm chú ý.

Giảm dần bao cấp

Trong năm 2010, nổi bật trong việc kiềm chế giá cả là chúng ta đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2010 đến nay; giữ ổn định giá bán than cho bốn hộ sản xuất tiêu thụ than lớn trong cả năm (xi măng, giấy, phân bón, điện). Giảm giá xăng dầu khi giá thế giới hạ, thực hiện giãn thời gian điều chỉnh giá trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng; thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu từ tháng 6/2010 đến nay...

 Nhìn chung, năm 2010, chính sách giá cả được điều tiết, kiểm soát ở mức tối đa trước nhiều tác động khó lường của thị trường. Riêng Bộ Tài chính đã trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra thuế và giá tại 38 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: thép xây dựng, phân hóa học, khí hóa lỏng, đường ăn, sữa, xi măng, thức ăn chăn nuôi,…

Cùng đó, tổ chức 16 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá tại các doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, kê khai giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố công khai việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, hiện nay cơ chế bao cấp qua giá điện, giá than kéo dài không khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt, đồng thời hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn và lưới điện. Quản lý giá một số mặt hàng còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao, nhất là: sữa, thuốc phòng chữa bệnh.

Xử lý cụ thể giá, phí một số hàng hóa, dịch vụ công chưa bảo đảm lộ trình thích hợp như: Nước sạch sinh hoạt, học phí giáo dục,… đã tác động làm tăng cao mặt bằng giá. Năm nay, trong 4 mục tiêu ưu tiên mà Chính phủ đề ra thì mục tiêu số 1 là kiềm chế lạm phát, ổn định các cân đối vĩ mô. Điều đó cho thấy vấn đề kiểm soát giá cả rất được Chính phủ coi trọng và là vấn đề cần được tập trung giải quyết trong năm 2011, dù việc thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường sẽ gây áp lực không nhỏ

Bá Tuấn
.
.
.