Không để than lậu hoành hành

Thứ Hai, 12/01/2015, 10:02
Để hạn chế tình trạng khai thác than trái phép tái diễn, ngoài nỗ lực của Công an, các lực lượng chức năng khác cũng cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, khắc phục tình trạng hô hào, vận động chung chung.

Than là thứ khoáng sản đã mặc nhiên trở thành hàng hoá rất dễ tiêu thụ trên đất mỏ Quảng Ninh. Đó là yếu tố chính khiến địa phương này phát sinh một loại tội phạm chuyên khai thác, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ than trái phép (gọi chung là than lậu). Trong 5 năm trở lại đây, cuộc chiến chống than lậu ngày càng đẩy mạnh, bước đầu đã có chuyển biến. Trong đó, hoạt động khai thác than trái phép đã được kiềm chế.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều mối lo than lậu tái diễn ẩn dưới danh nghĩa hợp pháp cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống, quyết không để than lậu lộng hành.

Một điểm khai thác than trái phép ngay trong khuôn viên nhà ở bị Công an phát hiện.

Khi than lậu trở thành nguồn lợi cho một số đối tượng có thế lực, là nguyên nhân tạo ra rất nhiều bất ổn, đe doạ tính ổn định về trật tự ATXH thì việc ngăn chặn đã không còn là việc riêng của ngành than (các đơn vị thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam-TKV). Từ năm 2013-2014, công tác đấu tranh đã được Tỉnh uỷ, UBND giao cho ngành Công an vị trí chủ công tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý và trực tiếp lên các kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn, điều tra xử lý.

Kể từ đó, than lậu đã bớt lộng hành, không còn biểu hiện ngang nhiên thách thức dư luận xã hội. Thiếu tướng Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm 2014 được cho là thời điểm mà lực lượng Công an triển khai nhiều phương án đấu tranh chống than lậu mạnh mẽ, kiên quyết hơn bao giờ hết. Qua đó, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 119 vụ, 121 đối tượng vi phạm về than, tịch thu 2.454 tấn than trị giá 1,359 tỷ đồng, phạt hành chính 488 triệu đồng, triệt phá trên 215 lượt cửa lò, điểm tái khai thác, đào bới than trái phép”.

Điểm khác biệt là, công cuộc đấu tranh chống than lậu vừa là nhiệm vụ thường xuyên vừa phải xây dựng các chuyên án, kế hoạch theo từng thời điểm, tình hình cụ thể nhằm tập trung lực lượng, phối kết hợp với các cấp, ngành nhằm triệt xoá hiệu quả. Trong đó, Kế hoạch số 536/KH-CAT-PC46 triển khai từ 1/8/2014 là ví dụ điển hình, tập trung vào việc kiểm tra và tăng cường quản lý bến bãi hoạt động tập kết, bốc rót than trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là khâu mang tính quyết định, bởi nó bao trùm lên tất cả các hoạt động khác. Quản lý chặt bến bãi bốc rót than kể như quản lý được nguồn than, than lậu sẽ không thể di chuyển tìm đường tiêu thụ.

Vườn, đồi, rừng cần phải giám sát mục đích sử dụng không để biến tướng thành lò than lậu.

Quả đúng như vậy, chỉ hơn 2 tháng triển khai, đã kiểm tra hơn 40 doanh nghiệp ngoài ngành than có hoạt động tập kết, tiêu thụ than trên 20 bến thủy nội địa và 23 kho bãi trên địa bàn 6 địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả, phát hiện 19 bến bãi/19 doanh nghiệp có vi phạm.

Qua kiểm tra, Công an cũng đã tham mưu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ra quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi diện tích đất sử dụng trái mục đích, xử phạt vi phạm hành chính, giải tỏa số than tồn không nằm trong quy hoạch cảng bến. Tới đây, sau bến bãi sẽ tiếp tục "sờ" đến các lĩnh vực khác  như hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục tham mưu với tỉnh khẩn trương hoàn tất việc rà soát, chấn chỉnh công tác cấp phép, quản lý cấp phép các dự án giao đất, giao rừng tại những địa phương có nhiều khoáng sản đã hoặc chưa khai thác.

Theo đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi các dự án sử dụng sai mục đích hoặc lợi dụng để khai thác, kinh doanh than trái phép. Bởi gần đây, có khá nhiều đối tượng lợi dụng vào việc giao đất rừng nhưng thực chất là để nguỵ trang khai thác than trái phép.

Nhưng để hạn chế tình trạng khai thác than trái phép tái diễn, ngoài nỗ lực của Công an, các lực lượng chức năng khác cũng cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, khắc phục tình trạng hô hào, vận động chung chung. Thiếu tướng Vũ Chí Thực cho rằng, khi đã cấm người dân khai thác trái phép thì chính quyền cần nghĩ ngay đến việc đầu tư thực hiện chính sách tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Cần phải nhìn nhận thực tế, rất nhiều người dân lương thiện lâu nay sống trên than và than đem lại nguồn thu nhập chính.

Riêng với TKV, Công an tỉnh đề nghị lãnh đạo tập đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát không để cán bộ lợi dụng thông đồng, móc ngoặc đưa than ra ngoài bán. Đặc biệt, TKV cần kiểm tra chặt các đơn vị tiêu thụ than cuối nguồn thuộc khu vực Hải Phòng, Hải Dương về nhu cầu sử dụng khối lượng than, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc nhu cầu sử dụng ít nhưng lại mua vượt khối lượng rất nhiều nhằm tiêu thụ ra thị trường tự do.

Được như vậy thì công tác  đấu tranh ngăn chặn tội phạm về than lậu tại vùng mỏ Quảng Ninh mới hữu hiệu. Đã đến lúc phải thay đổi nhận thức trong mọi tầng lớp, than không phải là nguồn lộc trời cho và vô tận. Than là đối tượng chính trong mục tiêu bảo toàn an ninh năng lượng quốc gia.

Lê Minh Triết
.
.
.