Không để người tiêu dùng phấp phỏng lo sợ hoá chất làm tươi thực phẩm

Thứ Năm, 19/04/2012, 08:56
Để ngăn chặn những hiểm họa do ngộ độc thực phẩm liên quan tới chất phụ gia tẩm ướp, tẩy trắng mập mờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kiểm định, người dân cần nâng cao sự nhận thức, ý thức về pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Báo CAND đăng bài “Kinh hoàng hóa chất làm tươi thực phẩm”, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại của bạn đọc về việc một số loại phụ gia thực phẩm bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng. Hiện nay, việc phát hiện hành vi sử dụng chất phụ gia cấm trong chế biến thực phẩm vẫn chưa được tiến hành nghiêm ngặt, do đó dẫn đến một số nhà hàng, quán ăn chưa đảm bảo quy trình về VSATTP. Bạn đọc gọi điện đến Đường dây nóng Báo CAND bày tỏ lo lắng trước việc xuất hiện nhiều chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường như: phụ gia chế biến nước dùng của phở bò, phở gà, lẩu; hóa chất như axit chanh để tươi trắng thực phẩm…

Trong khi đó, loại hình kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay tuy đã được phân cấp cho các địa phương quản lý nhưng chất lượng thực phẩm gần như thả nổi. Những quán quán nhậu như hầu như không có sự kiểm tra chất lượng thực phẩm từng ngày. Do vậy, người bán có thể trà trộn thực phẩm ôi thiu, thực phẩm “bẩn” rồi sử dụng công nghệ hóa chất tẩm ướp cho tươi ngon thì người tiêu dùng cũng không thể nhận biết.

Đem vấn đề này sang Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), phóng viên Báo CAND được ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng cho hay, việc sử dụng các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục cho phép là vi phạm các quy định về quản lý phụ gia thực phẩm. Đáng chú ý, sự nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa tốt, trong đó có một số cơ sở chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà chưa quan tâm đến tác hại có thể gây ra cho người tiêu dùng nên vẫn còn tình trạng kinh doanh phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, thời gian trở lại đây, lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện, xử lý không ít vụ việc liên quan tới nội tạng, thực phẩm “bẩn” đang trong quá trình “tuồn” vào các quán nhậu trên địa bàn.

Chất phụ gia không rõ nguồn gốc do lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ.

Đơn cử như vụ bắt giữ hơn 1 tấn lòng lợn không rõ nguồn gốc của Đội QLTT số 15, Chi cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội mới đây là một ví dụ. Trong vụ việc này, vào thời điểm kiểm tra, toàn bộ số sản phẩm động vật (lòng lợn) có trọng lượng hơn 1 tấn được đựng trong 13 thùng hàng vô chủ đang trong tình trạng phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Vậy liệu, số lòng lợn này được tiêu thụ trót lọt và được chế biến qua phụ gia “tẩy đường”, tuồn cho các nhà hàng, quán nhậu thì thực khách sẽ ra sao? Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), từ tháng 1/2012 đến ngày 27/3/2012, cả nước đã xảy ra 23 vụ ngộ độc thực phẩm với 695 người mắc, 576 người nhập viện.

Đáng chú ý, trong năm 2011, Cục ATVSTP đã trực tiếp phát hiện 56 cơ sở vi phạm về VSATTP, mặt khác Cục cũng đã có quyết định đình chỉ lưu hành, buộc thu hồi xử lý nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, mới đây liên quan đến loại hoá chất biến thịt lợn ôi thiu thành thịt tươi, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Bộ Y tế đã cho kết quả xét nghiệm trong loại hoá chất này có phát hiện Na2S04 - một loại chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp, có thể gây ức chế tiêu hoá cho người sử dụng thực phẩm có chứa chất này.

Theo nhận định của Cục ATVSTP, ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân về vấn đề VSATTP hiện nay còn nhiều hạn chế, thế nên để ngăn chặn những hiểm họa do ngộ độc thực phẩm liên quan tới chất phụ gia tẩm ướp, tẩy trắng mập mờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kiểm định, người dân cần nâng cao sự nhận thức, ý thức về pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào sử dụng hoá chất cấm trong chế biến thực phẩm thì cần phải đưa vào khung xử lý cao nhất: đó là truy cứu trách nhiệm hình sự. Để người tiêu dùng không còn phải lo lắng về hóa chất tẩm ướp thực phẩm, đã đến lúc cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc, cần kiểm tra và xử lý ngay việc kinh doanh hoá chất, phụ gia trôi nổi trên thị trường

Nhóm PVĐT
.
.
.