Không có gạo giả, gạo nhựa như tin đồn

Thứ Hai, 05/10/2015, 09:51
Sau khi những thông tin về gạo nhựa bùng lên vào tháng 5/2015 và được xác định là gạo thật thì gần đây lại có phản ánh trên báo chí về gạo nhựa. Tuy cơ quan chức năng đã thông tin về việc không thể có chuyện sản xuất gạo nhựa do chi phí cao nhưng người dân thì không khỏi lo lắng.
Gần đây, một hộ gia đình ở TP Hồ Chí Minh sau khi mua một loại gạo mới về nấu đã phát hiện một số biểu hiện như cơm hạt chín, hạt sống, cứng như nhựa. Thậm chí khi cho vào chảo rang chừng 4-5 phút, gạo chuyển sang màu đen, bốc khói khét lẹt mùi nhựa rất khó chịu và gạo bị kết thành từng cục. Ngay lập tức thông tin về gạo giả, gạo nhựa lại làm người dân, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh hoang mang.

Theo thông tin từ TP Hồ Chí Minh, loại gạo mà hộ dân này mua về ăn là gạo Nàng Hoa 9, một loại gạo dẻo, thơm và khá khó nấu. Chủ cơ sở kinh doanh gạo ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã mua 700kg gạo Nàng Hoa 9 ở Gò Công, Tiền Giang và đã bán cho 30-40 người, nhưng không có ai phản hồi gì về sự bất thường của loại gạo này. Thậm chí, chính gia đình chủ cơ sở bán gạo cũng mang loại gạo này nấu thử, nhưng không thấy có gì bất thường.

Từ thông tin trên báo chí, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiquad), Cục Trồng trọt - đại diện phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) ngay sau đó đã vào cuộc, lấy mẫu gạo nghi nhựa nói trên để kiểm tra.

Chiều 4/10, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (đại diện phía Nam) khẳng định, Cục Trồng trọt đã tiếp cận với mẫu gạo nghi nhựa ở TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra, phân tích cho thấy, 100% mẫu gạo này là gạo thật. “Gạo này là gạo thật, không có chuyện gạo nhựa, hay gạo giả như nghi vấn trước đó”, ông Phạm Văn Dư khẳng định.

Đối với những biểu hiện lạ như khi rang gạo cháy đen và có mùi khét bốc lên như nhựa, ông Phạm Văn Dư cho rằng, để xác minh và có câu trả lời chính xác thì cần nhiều thời gian để điều tra, phân tích. Cụ thể như, phải xem trong quá trình gieo trồng đến lúc thu hoạch, nông dân đã sử dụng những loại thuốc trừ sâu nào, trong quá trình bảo quản có sử dụng hóa chất gì không...?

Trả lời về nghi vấn, liệu có tình trạng, đối tượng hám lợi sản xuất gạo giả, gạo nhựa để bán cho người tiêu dùng, ông Phạm Văn Dư nhìn nhận: “Kinh doanh thì phải mang về lợi nhuận. Giá gạo ở Việt Nam vừa rẻ, vừa đa dạng về chủng loại, từ gạo cứng đến gạo dẻo, thơm... chưa kể một số loại gạo nhập khẩu. Ngoài ra, gạo ở Việt Nam còn dư thừa để xuất khẩu 6-7 triệu tấn mỗi năm. Do vậy, việc sản xuất gạo giả để bán kiếm lời là hoàn toàn không có, vì chi phí sản xuất gạo giả còn đắt hơn gạo thật”.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Nafiquad cho rằng, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều thông tin về gạo giả, gạo nhựa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng đều khẳng định, chưa có gạo giả, gạo nhựa xuất hiện ở Việt Nam. “Bà con hoàn toàn yên tâm vì để làm gạo nhựa, gạo giả bán kiếm lời là không xảy ra”, ông Phùng Hữu Hào trấn an.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội), các vật liệu như nilon, nhựa hoàn toàn có thể làm được gạo giả. Song, chi phí đầu tư máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất rất tốn kém và cần kỹ thuật cao. Dẫu vậy, lãnh đạo Cục Nafiquad vẫn đề nghị: “Bất kỳ người dân nào, khi thấy gạo có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ là gạo giả, gạo nhựa có thể gửi về các Trung tâm phân tích của Nafiquad ở các tỉnh, thành để kiểm nghiệm”.

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, người dân có thể gửi về Trung tâm phân tích chất lượng nông sản ở 30 Hàm Nghi, quận 1; tại Hà Nội, trực tiếp gửi về Cục Nafiquad tại số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình hoặc Trung tâm phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tại 143 Hồ Đắc Di, Đống Đa... 

Theo các quan chức ngành NN&PTNT, người dân nên mua gạo tại siêu thị, cửa hàng quen, có uy tín. Có 4 cách đơn giản giúp người dân phân biệt gạo giả, gạo nhựa: Rang gạo: Cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm. Ngâm gạo: Lấy 1 chậu nước, cho gạo vào ngâm. Gạo thật sau 1 thời gian sẽ trương nở, còn gạo giả thì không mà nổi lên mặt nước. Để ý kích thước hạt gạo: Gạo thông thường chỉ dài 6-7mm nhưng gạo này dài tới 10mm, bề ngang gạo này nhỏ hơn nhiều so với gạo thông thường. Ngoài ra, không nên mua loại gạo trắng sạch và hạt đều vì bình thường, gạo xay xát xong có độ tấm là 5%. (N.Y.)
Chi Linh
.
.
.