Để nợ đọng bảo hiểm lên tới gần 10.000 tỷ đồng:

Không chỉ lỗi ở doanh nghiệp

Thứ Năm, 20/06/2013, 02:30
Con số gần 10 nghìn tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) mới được ngành BHXH Việt Nam thông báo với báo chí mới đây, cho thấy số tiền nợ đọng và tình trạng nợ đọng cứ năm sau cao hơn năm trước.

BHXH Việt Nam cũng thừa nhận, mới chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2013, tổng số nợ đọng BHXH và BHYT đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2012, lên tới hơn 9.595 tỷ đồng. Số nợ này chiếm tới 7,14% kế hoạch thu BHXH và BHYT được giao.

Ông Vũ Mạnh Chữ, Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) liệt kê cụ thể: Nợ BHXH là 6.610 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp là 530 tỉ đồng; nợ BHYT là 2.455 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong danh sách các doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm lớn nhất là tập đoàn Vinashin hơn 340 tỷ đồng và Vinaline  là 16,7 tỷ đồng. Ngoài ra, 329 đơn vị phá sản, nợ 39 tỷ đồng; DN dừng hoạt động nợ 8 tỷ đồng và 196 tỷ đồng là số tiền nợ chưa thu hồi được của các DN do cơ quan bảo hiểm khởi kiện đã đưa ra tòa xét xử… Về tình hình khởi kiện, tính hết quý I-2013, có 41 tỉnh, thành phố đã tiến hành khởi kiện 345 đơn vị, thu hồi được 31,6 tỷ đồng.

Theo ông Chữ, hiện tượng DN nợ đóng BHXH và BHYT có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn như: Không đóng BHXH cho người lao động; thường xuyên thay đổi văn phòng, địa điểm; đóng không đủ số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; đóng không đúng thời gian quy định; đóng không đúng mức quy định...

Ông Chữ nhận định, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH làm cho nợ BHXH tăng nhanh. Đặc biệt, trong khi quy định về xử phạt chậm đóng BHXH còn hạn chế, mức xử phạt hành chính ít, lãi suất chậm đóng thấp hơn lãi suất liên ngân hàng nên một số DN không tuân thủ luật pháp mà lấy tiền đóng BHXH của người lao động để làm vốn kinh doanh.

Những lý do mà người phụ trách mảng thu của BHXH Việt Nam đưa ra không mới. Nhiều năm nay, từ khi thực hiện BHXH, năm 1996, đến nay, ngành BHXH vẫn “kêu” như vậy. Trong khi các DN tham gia BHXH cho người lao động vừa phải lo xây dựng thang bảng lương, vừa phải tính toán và đóng thêm 17% mức tham gia BHXH cho người lao động, vừa làm luôn cái nhiệm vụ thu phần trăm BHXH mà người lao động phải đóng hàng tháng hộ cho cơ quan BHXH, thì cơ quan BHXH ở các địa phương, quận, huyện vô hình chung đã rất “nhàn nhã”, tức là có người “dọn sẵn mâm”. Vậy mà thu vẫn không đạt kế hoạch, vẫn để nợ đọng nhiều.

Vì sao cán bộ phụ trách thu của BHXH không sát sao, không tích cực phối hợp với DN để có thể đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Bởi khi mà đồng tiền vào tay DN có thể quay vòng, mà lạm dụng tiền BHXH để quay vòng lại rất tiện. Tiện vì lãi suất thấp, tiện vì không chịu áp lực gì, không bị ai hối thúc phải trả. Có lẽ đã đến lúc, BHXH Việt Nam cần thay đổi cách thu, thay đổi cách đối xử với DN, có cơ chế phối hợp, chứ không thể thụ động. Và để đến lúc số tiền nợ lên quá lớn mới thông báo hoặc phải dùng đến biện pháp không ai mong đợi là khởi kiện ra tòa. Thậm chí, mới đây BHXH Việt Nam còn đề xuất tăng mức xử phạt và xử lý hình sự đối với những DN chây ì không đóng bảo hiểm.

Để nợ đọng BHXH lên tới con số hàng chục nghìn tỷ đồng, BHXH Việt Nam có phần trách nhiệm, không thể đổ hết lỗi cho DN

Thu Uyên
.
.
.