Không cải thiện công nghệ năng suất lao động, Việt Nam tiếp tục tụt hậu

Thứ Năm, 25/09/2014, 11:27
Thông tin về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương qua một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế ILO đang gây rất nhiều cách hiểu sai về lao động Việt Nam.

Liệu NSLĐ của Singapore cao gấp 15 lần lao động Việt Nam và thậm chí NSLĐ của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với lao động của Malaysia và 2/5 so với lao động Thái Lan, hai nước có thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN, có phản ánh lao động của chúng ta yếu kém và thiếu chuyên cần so với lao động các nước không?.

“NSLĐ của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Bởi vậy, nếu từ các thống kê về NSLĐ mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng”, là khẳng định của ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong cuộc trao đổi với PV Báo CAND chiều 24/9.

+ Ngay sau khi có công bố NSLĐ Việt Nam thuộc diện thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi rất băn khoăn ILO dựa trên căn cứ nào để đưa ra kết luận này?

- NSLĐ thường được định nghĩa là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động). Theo hướng dẫn về đo lường năng suất của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), năng suất lao động dựa trên giá trị gia tăng là thông số phổ biến nhất để tính toán năng suất lao động. Để tính được NSLĐ tổng, ILO sử dụng số liệu có thể so sánh được trên bình diện quốc tế lấy từ Các chỉ số Phát triển Thế giới (World Development Indicators) của Ngân hàng Thế giới (để tính GDP theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity, hoặc PPP$)) và Mô hình Kinh tế lượng về Xu hướng của ILO (để tính tổng số việc làm).

+ Tại sao lại có sự chênh lệch lớn về NSLĐ của Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác?

- Ở một cấp độ rộng hơn, NSLĐ là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Báo cáo của ILO/ADB gần đây cho thấy NSLĐ trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Ở những quốc gia như Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, nên có thể có NSLĐ chung thấp hơn. Ngược lại, Singapore có thể có mức NSLĐ cao hơn, vì nền kinh tế của họ chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm...

+ Việt Nam cần làm thế nào để tăng NSLĐ? Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tác động đến NSLĐ của Việt Nam như thế nào?

- Có hai con đường để tăng NSLĐ cho các quốc gia ASEAN. Một là, tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Tuy nhiên, NSLĐ có thể tăng nhiều nhất thông qua con đường thứ hai – chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Bởi vậy, các quốc gia cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp. Để làm được điều này, các chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, và các DN cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội. 

Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc viết và tính toán, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có NSLĐ thấp sang các ngành có NSLĐ cao. Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở cấp THPT và chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội này. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng nông thôn. Tăng NSLĐ đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động về dài hạn. Khi mức giá trị gia tăng bình quân trên mỗi người lao động tăng lên, DN có thể có khả năng trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh. Bằng cách tăng NSLĐ, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác có thể cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu dựa trên NSLĐ cao thay vì dựa vào mức lương thấp.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Thu Uyên
.
.
.