Khởi tố Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam

Thứ Hai, 30/05/2005, 06:43

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu - Seaprodex Lê Hòa Bình và 6 bị can khác vừa bị khởi tố điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong số 7 bị can bị khởi tố, 3 người đã bỏ trốn.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hòa Bình trong thời gian qua đã bị Cục CSKT "mời" lên làm việc, nên sáng 27/5, khi lực lượng Cảnh sát ập đến trụ sở làm việc thì Bình đã luồn cửa hậu trốn chạy ra Vũng Tàu. Lực lượng khám xét phải mời ông Nguyễn Văn Nhật, Chánh Văn phòng Tổng Công ty, chứng kiến việc khám xét nơi làm việc của bị can Bình. 16h cùng ngày, Lê Hòa Bình đã bị áp giải về nhà riêng số 259 Lê Văn Sĩ, phường 1, quận Tân Bình, Tp.HCM, để lực lượng Cảnh sát thi hành lệnh khám xét.

“Liên minh ma quỷ” ở Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex

Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, do ông Lê Hòa Bình (51 tuổi), quê quán Cà Mau, là Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc. Lợi dụng chính sách hoàn thuế của Nhà nước, bộ ba Phó Tổng kiêm Giám đốc Bình, Kế toán trưởng Hoa, cán bộ kinh doanh Đặng Thị Trân Châu kết hợp với Phan Xuân Luận đã làm giả hồ sơ giấy tờ để rút tiền của Nhà nước.

Các bị can trong vụ án: Lê Hòa Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex; Nguyễn Phương Hoa, Kế toán trưởng; Đặng Thị Trân Châu, cán bộ kinh doanh Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex; Phan Xuân Luận, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Thông tin DVTM quảng cáo - Seaprodex Việt Nam; Trương Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Hòa; Tống Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Bắc Giang; Tô Hoàng Thái Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lâm Phát. Tất cả 7 bị can đều bị khởi tố cùng tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Riêng các bị can: Trương Hoàng Dũng, Tống Văn Dư, Tô Hoàng Thái Lâm, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra lệnh truy nã.

Sau khi nhân sự của “liên minh ma quỷ” đã hoàn chỉnh, Lê Hòa Bình đã giao cho Châu, Luận soạn thảo các "hợp đồng kinh tế ma" xuất khẩu hàng dệt may với các đối tác nước ngoài, sau đó lập các phiếu thu tiền bán hàng khống và các giấy tờ khác, Luận và Châu thay nhau giả mạo chữ ký trên các loại giấy tờ trong hồ sơ, sau đó chuyển cho Kế toán trưởng Hoa và Giám đốc Bình ký, hoàn tất khâu cuối của "hồ sơ ma".

Chỉ trong một thời gian ngắn, Lê Hòa Bình đã trực tiếp ký 21 hợp đồng bán hàng may mặc trị giá 2 triệu USD giá FOB tại Tp.HCM với 7 đối tác nước ngoài. Qua xác minh, cơ quan điều tra phát hiện 6 trong 7 công ty này là không có thật. Để có hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty bán hàng, Lê Hòa Bình đã chỉ đạo cho nhân viên tìm mua hoá đơn GTGT của các Công ty TNHH XD-TM-CBNHS XK Dũng Hòa, ở 69 Lê Đại Hành, phường 6, quận 11, Tp.HCM do Trương Hoàng Dũng làm Giám đốc; Công ty TNHH TM-DV Bắc Giang, ở 65 Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, Tp.HCM, do Tống Văn Dư làm Giám đốc;  Công ty TNHH Hồng Lâm Phát, địa chỉ 62A Đinh Tiên Hoàng, phường 8, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, do Tô Hoàng Thái Lâm làm Giám đốc... Chỉ trong vòng 5 tháng, những người này đã chiếm đoạt 3 tỷ đồng tiền hoàn thuế chia nhau.

Hiện vụ án vẫn đang được điều tra mở rộng

Thanh Hải - Thuý Hà
.
.
.