Khơi thông nguồn đầu tư từ hàng triệu “kho” vàng trong dân

Thứ Sáu, 11/05/2012, 07:54
Lượng vàng tích trữ hiện nay của người dân cả nước khoảng 1.000 tấn theo tính toán của WGC và ít nhất là 460 tấn theo tính toán của một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về vàng của Anh quốc. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không thể để lượng của cải này thành thứ nằm “chết” một chỗ, mà phải khơi thông thị trường vàng miếng.
>> Người dân vẫn được mua bán vàng miếng bình thường

Tính đến năm 2011, giá vàng thế giới đã tăng liên tiếp 11 năm và chỉ sau một năm, vào cuối tháng 3/2012, giá vàng đã tăng thêm 20,5%. Tuy nhiên, theo công bố của Hội đồng vàng thế giới (WGC), năm 2011 tổng nhu cầu vàng của cả nước vẫn tăng lên mức hơn 100 tấn, đứng thứ 8 trong số 10 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, trong khi lượng vàng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 35-38 tấn.

Tiêu thụ vàng miếng và vàng trang sức tăng nhanh khiến giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới và liên tục sốt giá. Gần đây nhất, ngày 17/4 vừa qua, giá vàng trong nước dù đã giảm khỏi mốc 43 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn giá quốc tế đến 1,3 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 24/4, dù giá vàng thế giới đã giảm 7 phiên liên tiếp, thì sau hai phiên tăng giá mạnh, giá vàng trong nước mới chịu đảo chiều, giảm được chừng 100 ngàn đồng/lượng. Theo TS Quách Đức Pháp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 400 ngàn đồng/lượng là đã ở tình trạng thị trường vàng bị lũng loạn và đầu cơ.

Tính toán của TS Quách Đức Pháp còn cho thấy: Đợt sốt vàng kéo dài 2 tháng vào cuối năm 2011, cả nước đã phải bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để nhập vàng theo đường chính thức và phi chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 20.000 tỷ đồng được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại, mua vàng về để nằm “chết” trong kho quỹ của ngân hàng hoặc trong két sắt của người dân; thay vì số tiền này phải được đem đầu tư làm tăng nguồn dự trữ ngoại tệ và để dành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tới đây chỉ những cơ sở đủ điều kiện mới được mua, bán vàng miếng.

Cũng theo TS Quách Đức Pháp, dù còn nghèo, song hiện cả nước đang tồn tại hàng triệu kho vàng nhỏ trong dân. Chỉ cần tính lượng vàng trong dân là 500 tấn theo con số ước tính của Ngân hàng Nhà nước, đã tương ứng với 600 ngàn tỷ đồng đang nằm “chết”.

Đồng quan điểm này, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cũng từng nhiều lần phát biểu: Lượng vàng tích trữ hiện nay của người dân cả nước khoảng 1.000 tấn theo tính toán của WGC và ít nhất là 460 tấn theo tính toán của một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về vàng của Anh quốc. Tương ứng với hai số liệu này, lượng vàng dự trữ trong dân đã có giá trị từ 21 đến 45 tỷ USD, tương đương 20-45% GDP năm 2011.

Ông Nghĩa so sánh, đây là một tỷ lệ quá lớn khi mà hầu hết các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới cũng chưa tới 3% GDP. Ngay cả thị trường lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống dù rất lớn cũng chỉ chiếm chưa đầy 40% GDP. Theo ông Nghĩa, lượng dự trữ vàng nằm trong dân này đã tác động không ít tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như đầu tư, nhập siêu…

Còn theo TS Quách Đức Pháp, cho dù lượng vàng dự trữ lớn này là thành quả tiết kiệm chắt chiu của người dân trong nhiều năm, nhưng phải đánh đổi với cái giá khá đắt là: Làm biến động tỷ giá, gây ra lạm phát, lãi suất cao, thu nhập của người lao động thấp và hậu quả của nó đã làm bất ổn kinh tế vĩ mô.

Chính sách quản lý vàng miếng theo kiểu để “vàng 2 giá” thời gian qua ngoài tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ, lũng loạn thị trường. Lượng vàng dự trữ khổng lồ trong dân đã khiến các ngân hàng thương mại nhanh chân tận dụng cơ hội huy động vàng để cho vay. Riêng tại TP HCM, tổng dư nợ cho vay vàng của 12 ngân hàng hiện còn tới trên 600.000 lượng đang khó khăn trong việc thu hồi. Vì vậy, nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc cân đối thanh khoản vàng, Ngân hàng Nhà nước vừa phải tiếp tục gia hạn cho việc phát hành chứng chỉ huy động vàng đến hết ngày 25/11 tới đây, thay vì sẽ phải chấm dứt ngay trong tháng 5 này.  

Với kho vàng dự trữ khổng lồ này, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không thể để lượng của cải này thành thứ nằm “chết” một chỗ, mà phải khơi thông thị trường vàng miếng. Song theo TS Quách Đức Pháp, để chấm dứt tình trạng đầu cơ, tích trữ lũng đoạn thị trường vàng, Nhà nước cần phải áp dụng việc tính thuế VAT 10% trên giá bán vàng như các loại hàng hóa khác.

Chống được “vàng hóa” sẽ thu hút hàng trăm ngàn tỷ từ lâu vẫn nằm “án binh bất động” trong khu vực dân cư vào sản xuất kinh doanh để vực dậy các thị trường chứng khoán, bất động sản… và nhanh chóng kéo giảm lãi suất cho vay xuống thấp dưới 12%/năm

Đ.T.
.
.
.