Khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội còn vướng do luật
- Khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
- Đồng Nai: Nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 560 tỷ đồng
Đây là các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản. Như vậy quyền lợi người lao động sẽ không được đảm bảo trong khi trước đó họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH.
Theo Luật BHXH 2014, đã có hiệu lực từ đầu năm 2016 thì Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Luật đã có hiệu lực hơn 1 năm nay, nhưng câu chuyện khởi kiện doanh nghiệp rất khó thực hiện.
Nhiều lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. |
Một hình thức khác là một số doanh nghiệp làm ăn được nhưng cố tình chây ì không đóng BHXH cho người lao động. Cuối cùng là trường hợp một bộ phận doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng. Tại buổi thông tin báo chí định kỳ do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, trong tổng số gần 10 nghìn tỷ đồng nợ BHXH của các doanh nghiệp hiện nay thì có khoảng 1.400 tỷ đồng mất khả năng đòi.
“Chúng tôi vẫn theo dõi con số này trên sổ sách khoảng hơn chục năm nay mà không thể nào xử lý được. Cơ quan BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện, khi có quy định pháp luật mới xử lý được khoản nợ trên”, đại diện BHXH Việt Nam cho biết.
Cũng theo BHXH Việt Nam thì hiện có rất nhiều người lao động đã chuyển qua 3, 4 doanh nghiệp nhưng vẫn không cầm được sổ BHXH. Do đó, BHXH Việt Nam đề xuất doanh nghiệp đóng được đến đâu thì để cho người lao động được cầm sổ đến đó để sang đơn vị mới đóng tiếp. Khi doanh nghiệp cũ nợ BHXH đóng được phần nợ còn lại cho người lao động thì cơ quan BHXH sẽ ghi bổ sung vào sổ.
Liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là phải đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động vì người lao động đã bị chủ sử dụng lao động trích tiền đóng BHXH. Người lao động đã hoàn thành nghĩa vụ đóng trước đó nhưng chủ sử dụng lại không đóng.
Do đó, trách nhiệm ở đây thuộc về chủ sử dụng lao động. Tuy vậy, ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Hải Nam thừa nhận, vai trò quản lý nhà nước về kiểm tra, xử lý, giám sát doanh nghiệp chưa được sát sao, kịp thời, dẫn tới quyền lợi của người lao động bị vi phạm.
Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2016, trong đó thể hiện rõ LĐLĐ có trách nhiệm khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH cho người lao động, nhưng theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) thì chưa có vụ việc nào bị đưa ra xét xử theo trình tự thủ tục.
“Chúng tôi đã nộp 74 đơn nhưng có đến 12 đơn bị tòa án trả lại. Những đơn tòa án trả lại, phía tòa án giải thích là việc doanh nghiệp nợ BHXH người lao động là tranh chấp lao động tập thể về quyền, như vậy bắt buộc phải qua hòa giải. Bên cạnh đó phải có đơn ủy quyền của người lao động”, ông Quảng cho biết.
Theo con số của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì hiện nay LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 1.150 vụ hồ sơ doanh nghiệp nợ đóng BHXH do ngành BHXH cung cấp. Dự kiến trong thời gian tới sẽ khởi kiện tổng cộng 150 doanh nghiệp. Số hồ sơ còn lại, LĐLĐ các địa phương có văn bản thông báo yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, nếu không sẽ khởi kiện.
Tuy vậy theo ông Lê Đình Quảng, việc để các công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện theo đúng trình tự thủ tục cũng gặp một số vướng mắc. “Đúng theo trình tự thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên. Thế nhưng cái khó là công đoàn cơ sở ngại không dám khởi kiện người sử dụng lao động, ngại khởi kiện nhưng ngay cả việc ủy quyền cho công đoàn cấp trên họ cũng ngại”, ông Quảng cho hay.
Một vấn đề vướng mắc nữa trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, theo ông Lê Đình Quảng là còn bất cập giữa Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự… nên đến nay tòa án chưa đưa ra xét xử vụ nào.
“Để giải quyết những bất cập này, sắp tới Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành với TAND Tối cao, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn trên…
Trong đó, không loại trừ việc sửa các quy định của pháp luật, đặc biệt Bộ luật Lao động (hiện đang trong quá trình sửa đổi). Mục đích để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất”, ông Quảng cho biết.