Vận chuyển hàng lậu qua đường sắt: Khó xử lý vì không được thông báo?!

Thứ Năm, 04/06/2015, 08:53
Dù chưa có thống kê chính xác từ đầu năm đến nay có bao nhiêu vụ buôn lậu qua đường sắt, song trong văn bản gửi lên Bộ GTVT ngày 1/6, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng thừa nhận rằng, việc lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng nhập lậu vẫn xảy ra nhưng không quy trách nhiệm được cho tổ chức hay cá nhân nào.

Nguyên nhân theo đơn vị này đưa ra là do phía cơ quan chức năng không thông báo cho phía đường sắt  biết kết quả kiểm tra, xử lý sau khi yêu cầu dừng tàu, cắt toa.

0h ngày 9/5, khi đoàn tàu SE2 vừa vào ga chợ Si (Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) thì lực lượng trinh sát đã ập đến, khống chế 2 thanh niên xách theo 3 túi du lịch vừa xuống tàu. Kiểm tra nhanh 3 chiếc túi, lực lượng Công an phát hiện có 31 sừng tê giác được ngụy trang rất kín bên trong, tổng trọng lượng chừng 37kg. Ngay sau đó, tổ công tác đã đưa 2 đối tượng cùng số tang vật về trụ sở cơ quan điều tra. 

Tại đây, danh tính 2 đối tượng được xác định là Lê Thanh Trung (32 tuổi, hộ khẩu TP Hà Nội) và Đoàn Duy Định (32 tuổi, quê Thanh Hóa). Theo lời khai ban đầu, Định và Trung nhận vận chuyển lô hàng nói trên từ TP Hồ Chí Minh về Nghệ An cho một người lạ mặt, với thù lao 40 triệu đồng. Được biết, đây là loại sừng tê giác quý hiếm có giá trị lớn, xấp xỉ 22 tỷ đồng. 

Trước đó, tại ga Đà Nẵng, khi kiểm tra toa xe mang số hiệu 131470 của một tàu hàng chạy hướng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, cơ quan Công an phối hợp với lực lượng kiểm lâm phát hiện toa xe có chứa một lượng lớn gỗ gụ… Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là ông Đinh Văn Giới, trú huyện Chư Păh (Gia Lai) lập tức cung cấp một bộ hồ sơ lâm sản liên quan đến lô hàng.

Ngành Đường sắt vừa khai trương tuyến tàu chất lượng cao Hà Nội - Đồng Đăng.

Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng nghi vấn đây là hồ sơ giả để hợp thức hoá việc vận chuyển gỗ lậu. Do vậy, cơ quan Công an đã tạm giữ lô hàng cùng các giấy tờ liên quan để điều tra. Qua giám định, hợp đồng mua bán gỗ, hóa đơn GTGT, bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt Kiểm lâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là giả. 

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Đinh Văn Giới phải thừa nhận đã mua bộ hồ sơ giả này để hợp thức hoá việc vận chuyển gỗ lậu. Sau đó, thuê một DN có trụ sở tại Quảng Ngãi, ký hợp đồng vận chuyển với ngành đường sắt, để vận chuyển số gỗ này ra các tỉnh phía Bắc. 

Cũng với thời gian này, trên địa bàn TP Đà Nẵng, công an thành phố cũng đã phát hiện một vụ vận chuyển lô gỗ hương không có giấy tờ, trị giá hơn 4 tỷ đồng bằng đường sắt. Chuyện buôn lậu qua ngành đường sắt không phải bây giờ mới nóng. Trước đó, cuối năm 2014, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đã ký văn bản báo cáo về tình hình vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội, bởi nhiều năm nay, buôn lậu trên tuyến này vẫn nhức nhối.

Không phủ nhận việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường sắt vẫn còn nhức nhối, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua (2011-2015) các lực lượng chức năng địa phương phối hợp với ngành Đường sắt đã phát hiện, làm rõ và hoàn thiện hồ sơ xử lý 352 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên đường sắt, tạm giữ 1.617 kiện hàng hóa các loại, trị giá hàng tạm giữ khoảng 9,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa khoảng 2,7 tỷ đồng; bắt giữ hơn 4.000 gói thuốc lá Zet lậu…

Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Việc lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng nhập lậu vẫn xảy ra, nhưng không quy trách nhiệm được cho tổ chức hay cá nhân nào, do phía cơ quan chức năng không thông báo cho phía đường sắt biết kết quả kiểm tra, xử lý sau khi yêu cầu dừng tàu, cắt toa và trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. 

Vị Phó Tổng Giám đốc cũng cho rằng, một trong các biện pháp mạnh, mà đơn vị cần làm tới đây để ngăn chặn trình trạng buôn lậu, là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm tra đột xuất, đặc biệt dịp cuối năm trên các tuyến trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thường xảy ra tình trạng lợi dụng phương tiện đường sắt vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, đặc biệt là tuyến Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; các ga Hà Nội, Giáp Bát, Đồng Đăng, Lào Cai, Đông Hà, Diêu Trì, Sóng Thần, Sài Gòn… 

Ngoài ra, Tổng Công ty cũng sẽ thường xuyên rà soát các quy định nội bộ; khắc phục sơ hở trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại; tổ chức cho cán bộ công nhân viên ký cam kết không mua bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu.

Đặng Nhật
.
.
.