Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tọa đàm phát triển thủy điện:

Khó kiểm soát khi tư nhân làm thủy điện

Thứ Sáu, 29/11/2013, 12:34
Sau nhiều tranh cãi ở Quốc hội, Bộ Công thương vẫn cho rằng, trong đợt mưa lũ vừa qua, các thủy điện miền Trung đều xả lũ đúng qui trình. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức ngày 27/11, các nhà khoa học lại  kiên quyết lập luận, chính thủy điện là tác nhân làm gia tăng lũ cho hạ du. Nếu chỉ “rút kinh nghiệm” theo kiểu “trách nhiệm thuộc về chúng ta” thì sẽ chẳng khác gì ném đá xuống ao bèo. Thế nhưng, việc kiểm soát các thủy điện miền Trung lại chẳng hề đơn giản khi chủ đầu tư hầu hết là tư nhân.

GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, vấn đề vận hành liên hồ hiện nay vẫn chưa có lời giải khi thủy điện miền Trung là thủy điện bậc thang và chủ đầu tư là tư nhân. Các thủy điện đều đang vướng mắc ở khâu chức năng của hồ chứa. Thông thường, các hồ chứa đều đa mục tiêu: điều tiết lũ, tưới tiêu, vận tải, phát điện…

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân ít quan tâm vì tốn kém, chỉ làm theo thiết kế phê duyệt. Do đó, hầu hết các công trình thủy điện miền Trung chỉ có chức năng phát điện, không có chức năng cắt lũ cho hạ du. Để có lợi nhuận tối đa, chủ đầu tư luôn muốn giữ mực nước cao trong hồ để phục vụ phát điện nên khi lũ về nhanh buộc phải xả cấp tập.

“Hồi tôi còn làm Thứ trưởng, vụ đông xuân thiếu nước, tôi đã nhiều lần yêu cầu hồ Hòa Bình xả 2000 m3/s, họ chấp nhận vì Nhà nước nắm quyền điều hành. Còn bây giờ, thủy điện nhỏ ở miền Trung là do tư nhân quản lí thì khó kiểm soát. Thậm chí có nhiều hồ, đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo xả, chủ đầu tư cũng không chấp hành – GS Hồng cho hay.  

Chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Hồng Phấn lại nhìn nhận : “Nếu tất cả các đập đều xả lũ đúng qui trình thì phải xem xét lại qui trình ấy như thế nào, bản thân nó đã hợp lí hay chưa. Cái mà EVN làm không phải là qui hoạch mà chỉ là tổng sơ đồ điện phục vụ cho EVN. Chúng ta chưa làm được qui hoạch lưu vực sông, trong khi thủy điện gần như đã an bài. Ngoài trách nhiệm của Bộ Công thương, cũng phải xem xét trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – Môi trường trong việc cấp phép giấy phép khai thác nước mặt”.

Ở góc độ khác, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc trung tâm phát triển tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu cho biết, cuối thế kỉ XX, nhiều nước trên thế giới có xu hướng phá đập. Ở Mĩ, việc phá đập bắt đầu từ năm 1998, đến nay đã phá hơn 1000 đập lớn nhỏ. Dự kiến, đến 2020, hầu hết các đập lớn ở Mĩ sẽ bị phá bỏ để trả lại sự nguyên trạng cho các dòng sông. Việc phá đập cần được tiến hành trong điều kiện đập không còn khả năng phục vụ, vận hành kém an toàn, muốn phục hồi các dòng sông, công trình ảnh hưởng quá lớn đến môi trường, sinh kế người dân…

Theo TS Tứ, ở Việt Nam, hiện có hơn 1200 đập có nguy cơ mất an toàn, trong đó có 300 đập có nguy cơ mất an toàn cao. Điện than là nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất, tiếp đó là thủy điện và điện hạt nhân. Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển năng lượng tái tạo, thay thế cho thủy điện. Trong khi đó, GS Hồng lại khẳng định: “Đập đã xây, muốn phá cũng không dễ, nhất là khi công trình do tư nhân đầu tư, muốn phá phải đợi bù lỗ xong. Trước mắt, Bộ Công thương phải rà soát tất cả các công trình, hồ nào không có chức năng điều tiết lũ cần phải chuyển sang đập dâng (không có hồ chứa, nước về đến đâu, phát điện tới đó). Khi đó, hiệu suất phát điện của thủy điện sẽ giảm đi, Nhà nước cũng phải chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp”.

Các dự án thủy điện bị dừng chủ yếu do thiếu tiền

Ông Nguyễn Đức Tùng – Phó Viện trưởng Viện Môi trường và phát triển bền vững chia sẻ: “424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi qui hoạch chủ yếu là do không tìm được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư xin trả lại do không có tiền chứ không hẳn là vì chúng ta đánh giá đầy đủ các tác động xấu của thủy điện. Khi tôi hỏi một doanh nghiệp làm thủy điện ở Sapa (Lào Cai), vị này nói, các dự án của doanh nghiệp phải dừng lại vì không vay được vốn ngân hàng”.

Khánh Vy
.
.
.