Mở rộng đơn vị được phép thu mua than trôi nổi:

Khó chấm dứt tình trạng than lậu

Thứ Ba, 02/02/2016, 07:27
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý nguồn than trôi nổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thay thế cho Quyết định 29/2008, nhằm góp phần chấm dứt tình trạng than lậu hiện vẫn diễn biến rất phức tạp trên địa bàn.

Theo dự thảo này, sẽ có thêm đơn vị được thu mua than trôi nổi, thay vì chỉ riêng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam như trước. Tuy nhiên, cơ chế giá thu mua vẫn không hề được thay đổi, thấp hơn giá đầu nậu thu mua, nên khó kỳ vọng văn bản này sẽ góp phần ngăn chặn được than lậu.

“Than trôi nổi” theo định nghĩa của Bộ Công Thương là than do mưa, lũ xói mòn, cuốn trôi từ các điểm lộ vỉa, khu vực khai thác, bãi thải, kho chứa than, điểm tập kết, trung chuyển than,… theo dòng chảy của các sông, suối, lạch, rãnh,… trôi ra ngoài ranh giới quản lý, bảo vệ của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, do các tổ chức, cá nhân thu gom được.

Vấn nạn than lậu luôn là bài toán khó trong công tác quản lý.

Vẫn kế thừa Quyết định 29/2008, người thu gom than trôi nổi sẽ chỉ được bán trực tiếp cho đơn vị thu mua là TKV, và dự thảo bổ sung thêm Tổng công ty Đông Bắc. Mục tiêu của hoạt động này là không lợi nhuận, chủ yếu nhằm giúp người thu gom tiêu thụ số than thu gom được, góp phần ngăn chặn tình trạng kinh doanh than trái phép.

Theo dự thảo, giá thu mua than trôi nổi là giá bán (chưa có thuế giá trị gia tăng) của TKV, Tổng công ty Đông Bắc cho các hộ sử dụng trong nước do TKV, Tổng công ty Đông Bắc xây dựng và công bố cho từng chủng loại, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý và các khoản thuế. Các đơn vị được giao thu mua sẽ phải lập sổ sách theo dõi riêng và mỗi năm 2 lần lập báo cáo riêng về việc này gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ để ngăn chặn, xử lý nghiêm và triệt để hiện tượng móc nối, tuồn than do các đơn vị thuộc TKV, Tổng công ty Đông Bắc ra bên ngoài để tiêu thụ dưới danh nghĩa than trôi nổi.  Dự thảo cũng quy định người thu gom than trôi nổi phải đăng ký hoặc khai báo với UBND phường, xã nơi có than trôi nổi về việc tham gia thu gom và chỉ tiến hành thu gom khi được UBND phường, xã đồng ý xác nhận. Khi bán than trôi nổi thu gom được cho đơn vị thu mua phải xuất trình xác nhận của UBND phường, xã về nguồn gốc than thu gom.

So với những quy định hiện hành, dự thảo thông tư mới không có nhiều thay đổi, ngoài việc bổ sung thêm Tổng Công ty Đông Bắc là đơn vị được phép thu gom. Một số chuyên gia cũng cho rằng quy định này sẽ khó góp phần giảm thiểu được tình trạng than lậu, thất thoát… Theo báo cáo năm 2015 của Bộ Công Thương, qua kiểm tra thực tế cho thấy một số nơi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khai thác, kinh doanh than trái phép với quy mô lẻ, bởi tại một số khu vực có dự án vườn - rừng của người dân chồng lấn, xen kẽ với khu vực chứa than (khu vực dân cư phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long; khu vực vườn - rừng huyện Hoành Bồ), rất khó kiểm tra, giám sát thường xuyên.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết hiện nay tình trạng lập các bến bãi để chế biến tại các địa bàn giáp ranh với Quảng Ninh như Hải Dương, Hải Phòng… vẫn còn diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tái diễn hoạt động kinh doanh than trái phép. Thêm vào đó, việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý than đầu nguồn tại một số đơn vị của TKV còn chưa quyết liệt, sơ hở nên đã xảy ra thất thoát than. Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ tài nguyên giữa một số đơn vị thành viên thuộc TKV với chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than của UBND tỉnh Quảng Ninh, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chưa được quan tâm đúng mức…

Thực tế này dẫn tới việc một số đầu nậu vẫn thu gom than trôi nổi, thậm chí được tuồn từ các đơn vị khai thác thuộc TKV ra. Việc đầu nậu mua gom với giá cao hơn hẳn giá thu mua chính thức khiến các nguồn than thường đổ về đây thay vì được mua bán tại các điểm theo quy định của Nhà nước. Mặt khác, việc quy định người thu gom than phải được UBND phường, xã xác nhận, rồi khi bán than cũng phải có xác nhận nguồn gốc… vốn là các quy định vô cùng khó thực hiện, càng đẩy các nguồn than trôi nổi này về phía… đầu nậu.

Theo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã xử lý trên 170 điểm, lò khai thác than trái phép với chi phí trên 1 tỷ đồng.

Được biết, ngoài việc sửa đổi quy định trên, Bộ Công Thương cũng đề xuất sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ và UBND các tỉnh liên quan tăng cường kiểm tra các bãi tập kết, mua bán than trái phép; Kiểm tra, điều chỉnh lại việc giao đất, giao rừng cho các hộ dân và doanh nghiệp để quản lý rừng hiệu quả, tránh tình trạng tái diễn hoạt động khai thác than trái phép tại khu vực chống lấn giữa vườn – rừng địa phương với ranh giới mỏ các đơn vị sản xuất của ngành Than; tổ chức kiểm tra toàn bộ các đơn vị kinh doanh than trên địa bàn, xử lý hoặc rút giấy phép ngành nghề kinh doanh than của những tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần, hoặc vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vận chuyển, chế biến và kinh doanh nguồn than trái phép.

Nam Phương
.
.
.