Khi lãi suất tăng cao

Chủ Nhật, 15/06/2008, 09:10
Với việc điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước từ 12% lên 14% đã tạo điều kiện để lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại được phép "đẩy" lên tối đa 21%. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, tăng lãi suất cơ bản nhằm mục tiêu bao trùm để chống lạm phát.

Ở nghĩa khác, việc tăng lãi suất cơ bản cũng nhằm chấm dứt việc lạm dụng thu các khoản phí với người đi vay từ phía ngân hàng. Nhưng ngay cả khi lãi suất cơ bản đã tăng như ở trên, việc thu phí từ phía ngân hàng thương mại đã biến thái sang một hình thức mới: ký quỹ. Người đi vay, doanh nghiệp muốn vay vốn từ phía ngân hàng, ngoài lãi vay tối đa  21%/năm còn có thể phải chấp nhận gửi lại ở ngân hàng 15-20% số tiền được vay với lãi suất thấp như lãi không kỳ hạn. Khoản này ngân hàng gọi là tiền "ký quỹ".

Thực tế ký quỹ là một dạng biến thái của các loại phí mà ngân hàng thương mại lạm dụng đặt ra với người vay vốn. Điều này đã đẩy lãi suất trong thực tế mà người vay phải chịu có thể cao hơn mức tối đa được phép 21% rất nhiều.

Động thái "làm reo" bằng cách biến thái thu phí thay bằng ký quỹ được ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cảnh báo các ngân hàng nên "vừa phải" bởi đó là một hình thức "trốn" (lách) giới hạn tối đa của lãi suất cho vay.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định tình hình vốn vay bị đẩy cao sẽ có rất nhiều doanh nghiệp lâm cảnh "chết lâm sàng". Thực tế, không chỉ chết lâm sàng, có nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khốn khó vì lãi vay đang nằm trong đích ngắm thôn tính của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Câu chuyện ở PLACO là một ví dụ.

PLACO là doanh nghiệp đóng tại Hải Phòng với cả chục ngàn công nhân, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may mặc và sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ. Năm 2007, PLACO có kim ngạch xuất khẩu gần 70 triệu USD; nộp ngân sách 30 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Văn Khánh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PLACO, việc lãi suất bị đẩy cao liên tục như thế, đã đưa không ít doanh nghiệp (theo ông có tới gần 100% các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như ông biết đều phải lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng) vào thế vô cùng khó khăn.

Với tình hình lãi vay tăng cao khủng khiếp như hiện nay, ông Khánh cho rằng sẽ rất khó có một doanh nghiệp nào dám vay vốn để sản xuất, kinh doanh, một khi chưa bị lâm vào tình thế cực chẳng đã. Doanh nghiệp nào chấp thuận vay với lãi suất ngất ngưởng như thế chẳng khác nào chuyện tự "uống thuốc độc". Bởi trong điều kiện kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát gia tăng, cung nhiều hơn cầu, chuyện lợi nhuận cao là điều không tưởng.

Bản thân PLACO, thường xuyên có mối quan hệ bằng kênh vốn vay ngân hàng ở mức vay trung bình 60 tỷ/năm, mức lãi vay 8%/năm để có thể duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu 15-16%/năm. Nay lãi vay đã bị đẩy lên trên 20% đã khiến PLACO ở vào tình thế vô cùng khó khăn.

Ông Khánh và ban lãnh đạo tập đoàn PLACO đang đứng trước một lời đề nghị vô cùng đau xót từ phía nhà đầu tư nước ngoài: Bán lại cho họ một số cơ sở mà tập đoàn đang sở hữu. Bởi theo gợi ý của họ, nếu bán cho họ một phần của tập đoàn PLACO, sau đó đem tiền đó gửi lại ngân hàng sẽ có lợi hơn là đi vay với lãi vay cao để duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Hiện PLACO đang ở trong tình thế lựa chọn trớ trêu: Nếu không bán một phần doanh nghiệp thì lại phải đối diện với áp lực lãi vay (hiện các ngân hàng đã tăng gần 3 lần so với đợt vay trước đó) trong khi các hợp đồng xuất khẩu đã ký với nước ngoài từ cuối năm trước nên không thể điều chỉnh giá.

Tại Euro 2008, Bồ Đào Nha là đội đầu tiên đoạt vé vào tứ kết sau khi đè bẹp đội Czech với tỷ số cách biệt 3-1 bởi chiến thuật ru ngủ chết người. Suốt trận đấu, đội Czech mải mê tấn công nhưng mục tiêu ghi bàn liên tục bị bỏ lỡ và trở nên xa vời vợi. Bồ Đào Nha có vẻ như bị cuốn vào lối chơi của Czech nhưng thi thoảng lại có những cú bất thần dốc những đòn tấn công chớp nhoáng, bất ngờ để đưa Czech vào thế không thể chống đỡ.

Triết lý ru ngủ trong bóng đá đã, đang được áp dụng khá nhuần nhuyễn trong đời sống kinh tế nước nhà. Trong khi lãi suất cơ bản buộc phải tăng để chống lạm phát với sự tán dương không ngớt của một số chuyên gia kinh tế quốc tế thì một số quỹ đầu tư nước ngoài lại lặng lẽ thụ hưởng quả ngọt. Ấy là thôn tính các doanh nghiệp đang lao đao vì lãi suất liên tục tăng cao.

Câu chuyện ở PLACO đang là một thực tế bởi xu thế các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc dòm ngó, ép uổng trong thỏa thuận mua bán các doanh nghiệp Việt thời khốn khó với tần suất được gia tăng từng ngày

Nguyễn Đông Phong
.
.
.