Khai thác ưu thế của vùng đất vàng ven sông Hậu

Thứ Tư, 30/01/2008, 11:06
Do sớm xác định ấy là vùng đất vàng nên ngay từ buổi đầu ngày thành lập, Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch vạt đất ấy thành Khu công nghiệp (KCN) sông Hậu, quy mô diện tích 578ha.

"Sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ cũ, Hậu Giang có một khu vực hơn 10km ven sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành. Trong tương lai, quốc lộ Nam sông Hậu từ cầu Quang Trung (Cần Thơ) đến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ đi qua phần đất này. Vì nằm giáp ranh với Khu đô thị - công nghiệp Nam Cần Thơ, sát nách cảng Cái Cui và cầu dây văng Cần Thơ nên Hậu Giang đã xem nơi đây là vùng đất vàng. Và từ đứa "em út" của khu vực, Hậu Giang đã vươn lên vị trí thứ  7 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài" - ông Huỳnh Minh Chắc, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã cho biết như thế trong những ngày đầu xuân 2008.

Do sớm xác định ấy là vùng đất vàng nên ngay từ buổi đầu ngày thành lập, Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch vạt đất ấy thành Khu công nghiệp (KCN) sông Hậu, quy mô diện tích 578ha. Ông Huỳnh Minh Chắc kể, trong lúc tỉnh đang xoay xở nguồn kinh phí đầu tư thì Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã quyết định thuê 290ha đất ở đây và sẵn sàng ứng vốn trước để Hậu Giang giải phóng mặt bằng.

Trong lúc có rất nhiều KCN đã xây dựng hoàn chỉnh kêu gọi nhưng Vinashin lại chọn Hậu Giang và phải chịu ứng vốn đầu tư trước vì họ đã thấy được tiềm năng chiến lược từ KCN này. Cho đến ngày 30/4 tới đây, Cụm công nghiệp (CCN) tàu thủy và Nhà máy Đóng tàu Hậu Giang - nhà máy đóng tàu lớn nhất ĐBSCL đã khởi động xây dựng tròn 1 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công. Vinashin cho biết sẽ đầu tư vào công trình này khoảng 1.700 tỷ đồng. Nơi đây sẽ quần tụ nhiều nhà máy sản xuất trang thiết bị chuyên dụng cho tàu thủy.

Sau dự án hoành tráng vừa kể, mới đây, tại vùng đất vàng này, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Chế biến Thủy hải sản và XNK Cà Mau cũng đã đăng ký thuê 54ha. Nhiều nhà đầu tư khác cũng đang xếp hàng. Như vậy, vùng đất lành ven sông Hậu ngày càng bị thu hẹp do các nhà đầu tư đổ xô đến… "đậu".

Dự án Nhà máy đóng tàu lớn nhất ĐBSCL.

Trong cùng thời gian này, tỉnh Hậu Giang tiếp tục quy hoạch CCN Phú Hữu A nối đuôi KCN sông Hậu với diện tích 110ha. Trong vùng đất vàng này, có một sự kiện khiến cho nhiều địa phương khác phải phục "em út" Hậu Giang, đó là nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam được khởi công ngày 6-8-2007. Chính quyền tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài của Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper HongKong - Trung Quốc) với tổng số vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD, công suất 420.000 tấn giấy chất lượng cao/năm và 150.000 tấn bột giấy.

Dự kiến sau 14 tháng, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 8.000 công nhân. Với dự án… giấy tầm cỡ này, Hậu Giang vươn lên đứng thứ 3 cả nước (sau Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hà Nội) và dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2007. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, tính chung từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Hậu Giang đã thu hút 77 dự án đầu tư trong nước với số vốn hơn 5.600 tỉ đồng và 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn 629 triệu USD.

Từ năm 2004 đến nay, bình quân mỗi năm Hậu Giang cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho 120 doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi so với thời điểm mới thành lập tỉnh. Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Hậu Giang nằm trong nhóm địa phương đặc biệt khó khăn. Như vậy khi nhà đầu tư đến đây, họ sẽ được miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất,...

Trong những ngày đầu năm 2008, nhiều nhà đầu tư cho chúng tôi biết, xét về địa lý thì KCN sông Hậu, CCN Phú Hữu A, CCN Tân Phú Thạnh (rộng 201ha, sắp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng) của Hậu Giang có vị thế thuận lợi không thua kém các KCN ở Cần Thơ hoặc Vĩnh Long. Do nằm cách trung tâm "anh cả" Cần Thơ không xa nên những KCN này cũng sẽ dễ dàng thu hút được nguồn nhân lực, chất xám, trong khi giá thuê đất lại rẻ.

Ngày 22/1, UBND tỉnh Hậu Giang có Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị công nghiệp sông Hậu với quy mô diện tích 3.274,66ha, dân số dự kiến năm 2025 khoảng 65.000 người. Theo đồ án, việc quy hoạch sử dụng đất được chia làm 3 loại: đất xây dựng CN: 1.990,88ha, đất xây dựng đô thị: 837,24ha, mặt nước tự nhiên và cây xanh cách ly: 447,24ha. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng ban hành QĐ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu trung tâm điều hành KCN Sông Hậu, rộng 9,62ha, đặt tại ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, Châu Thành (Hậu Giang).

Thái Bình
.
.
.