Khai thác titan, tàn phá môi trường

Chủ Nhật, 30/07/2006, 08:34

Titan được xem là nguồn "vàng đen", tuy nhiên chuyện khai thác titan bừa bãi, không theo quy hoạch cụ thể trong nhiều năm qua ở Thừa Thiên - Huế đã làm phá vỡ cảnh quan môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống người dân ven biển.

Hàng nghìn người dân ở 2 xã Phong Hải và Điền Hải (huyện Phong Điền) đang hết sức lo lắng trước việc Công ty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế khai thác titan quá mức trên dải cát trắng ven biển làm phá vỡ cả một hệ sinh thái vốn ổn định lâu nay ở nơi đây.

Tan hoang vùng cát

Gần đây, tình trạng bơm nước mặn vào để khai thác titan ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang đang làm người dân bức xúc, bởi hàng loạt lúa chết vì nhiễm mặn, giếng nước, ao hồ không thể sử dụng. Những ngày này khi đặt chân đến vùng cát giữa xã Phong Hải và Điền Hải (Phong Điền) chúng tôi đã thấy cái nắng khô rát và những đợt cát bay mù mịt. Thế nhưng giữa trưa, hàng trăm vít khai thác titan vẫn hoạt động liên tục.

Tại khu vực khai thác titan kéo dài hơn 1km, những độn cát trắng đã bị đào xới thành những hố sâu nham nhở, cách chỗ khai thác khoảng 300m, 10 cụm máy hút nước ngầm trong lòng đất liên tục hoạt động, một máy tải khoảng 4-5 mũi khoan liên tục đưa nước theo đường ống dẫn để tuyển titan.

Theo giấy phép mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp ngày 30/9/2005, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khoáng sản Thừa Thiên - Huế được khai thác thu hồi trên diện tích 19ha với công suất 6.000 tấn/năm tại trảng cát thuộc địa phận hai xã Phong Hải và Điền Hải (huyện Phong Điền). Thời gian khai thác trong vòng 12 tháng.

Cho đến thời điểm này chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết hạn khai thác mỏ, chính vì vậy mà đơn vị này đẩy hết công suất khai thác cả ngày lẫn đêm. Giấy phép cấp cho đơn vị khai thác là 6 nghìn tấn/năm, tuy nhiên sản lượng khai thác như thế nào thì chẳng có đơn vị giám sát. Vào thời điểm này, ở đây đã xảy ra hiện tượng cát bay, cát lấp…

Lợi bất cập hại?

Theo điều tra đánh giá của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, tỉnh Thừa Thiên - Huế có trữ lượng quặng titan khoảng 7 triệu tấn, chiếm khoảng 1/4 trữ lượng của cả nước, phân bố dọc theo dải cát ven biển và đầm phá. Titan được xem là nguồn "vàng đen", tuy nhiên chuyện khai thác titan bừa bãi, không theo quy hoạch cụ thể trong nhiều năm qua ở Thừa Thiên - Huế đã làm phá vỡ cảnh quan môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống người dân ven biển.

Nhà anh Phượng ở thôn B2, xã Phong Hải, nằm cách chỗ khai thác titan chừng 500m, giếng khoan sâu 12m của nhà anh mùa này bị hụt nước liên tục, phải đi xin nước hàng xóm. Nhà ông Nguyễn Hiền ở bên cạnh gần một khe nước nhưng đến thời điểm này, khe khô cạn, hàng cây hai bên khe bỗng dưng khô héo chết  hàng loạt. Theo các bậc cao niên ở đây, nếu khai thác titan một cách ồ ạt thì khả năng xảy ra vỡ đập trong mùa lụt là không tránh khỏi.

Cùng với nỗi lo của người dân xã Phong Hải, người dân ở xã Điền Hải cũng đang bối rối bởi hiện tượng thiếu nước phục vụ sản xuất làm 70ha lúa bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Võ Quang Diệu, Phó quản đốc xưởng titan tại Phong Hải, cho biết: "Tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã khai thác 14 đến 16 ha, chủ yếu ở phía xã Phong Hải. Toàn xưởng có 5 cụm vít với khoảng 150 vít,  hơn 200 công nhân thay nhau khai thác. Để phục vụ khai thác, xưởng sử dụng trên 10 máy bơm nước ngầm, với công suất trên 1.000m3 nước/ngày đêm để tuyển sa khoáng nên không làm ảnh hưởng đến xung quanh".

Ngày 25/7, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phong Điền đã tiến hành kiểm tra đánh giá về những ảnh hưởng của việc khoan lấy nước ngầm trên và có văn bản yêu cầu cấp trên buộc đơn vị khai thác phải dừng ngay việc lấy nước ngầm để tuyển titan. Đã đến lúc cần có một đánh giá ảnh hưởng về môi trường do khai thác titan gây ra ở vùng cát ven biển Thừa Thiên - Huế, để tránh tác động xấu do khai thác gây ra về lâu dài

Văn Hiếu
.
.
.