Khai thác cá xa bờ ở Hải Phòng: Nguy cơ nằm bờ vì nhiên liệu

Thứ Sáu, 17/07/2009, 11:07
Liên tục 2 con nước gần đây, nghề khai thác cá xa bờ Hải Phòng trúng lớn, bà con có lãi và trang trải được những khoản nợ cũ do vụ cá Bắc cuối năm trước cũng như vụ cá Nam đầu năm nay thất bát. Song niềm vui này chưa trọn vẹn vì cũng vào thời điểm này, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao. Nhiều tập đoàn đánh cá lại đối mặt với nguy cơ cho tàu nằm bờ vì thu không đủ chi phí cho nhiên liệu đi biển.

6 tháng đầu năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho nghề khai thác cá biển, các đợt áp thấp nhiệt đới ít xuất hiện, đây cũng là thời điểm chính vụ cá nam, ngư trường quanh đảo Bạch Long Vĩ, Long Châu, Cát Bà xuất hiện nhiều loại cá nhám, cá bò da là loại cá ít xuất hiện, nhưng có giá trị kinh tế lớn.

Chỉ tính riêng trong tháng 6 vừa qua, nghề cá nhân Hải Phòng khai thác được gần 4.600 tấn thủy sản, tăng gần 40% so với tháng 6 năm ngoái, với kết quả này, sản lượng thủy sản khai thác được trong 6 tháng đầu năm nay của Hải Phòng đạt hơn 23 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong đó, sản lượng khai thác cá xa bờ của huyện Thủy Nguyên (chủ yếu là xã Lập Lễ) chiếm 1/3 sản lượng chung của thành phố. Tuy được mùa cá xa bờ, nhưng hầu hết bà con nghề cá vẫn chưa hết lo, vì ngoài 2 loại cá nhám, bò da, các loại cá khác ít có giá trị kinh tế, nên sản lượng thì đạt cao, nhưng giá trị kinh tế thu về chưa như mong muốn.

Ông Vũ Văn Cư, Tập đoàn trưởng Tập đoàn đánh cá Nam Triệu, xã Lập Lễ cho biết: Nếu chuyến đi biển nào thắng lợi, lại gặp may loại thủy sản có giá trị còn có lãi, không may chỉ đánh được loại cá ít giá trị thì hòa, còn không đạt sản lượng thì "lỗ" là cầm chắc. Trung bình mỗi tàu cá đủ khả năng đi biển tối đa 8 ngày là phải vào bờ để bán các loại thủy sản đánh bắt được vì nước đá chỉ đủ trong một tuần là tan, không bảo đảm chất lượng hàng hóa sau khi đánh bắt.

Nghề cá Lập Lễ vốn có thế mạnh là khai thác chụp mực kết hợp ánh sáng, mỗi đêm tiêu tốn 100-150 lít dầu để chạy máy nổ phát điện thắp sáng hàng trăm bóng điện cao áp để dụ mực, nếu giá dầu cao, nghề chủ lực này gặp khó khăn, nguy cơ mất cân đối thu chi là khó tránh khỏi.

Chi phí nguyên liệu tăng cao, nhiều tàu đánh cá phải cắt giảm ngày ra khơi. Ảnh: A.T..

Theo ông Nguyễn Đức Chiện, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ, qua thực tế, chúng tôi tính toán và cho rằng giá dầu chỉ ở khoảng dưới 10 nghìn đồng/lít thì nghề cá xa bờ mới trụ được. Chính phủ đã hết sức quan tâm tới nhân dân, hỗ trợ lượng tiền lớn cho bà con trong đó có địa phương chúng tôi trong lúc khó khăn, nhưng ngành Xăng dầu cứ nay một giá, mai một giá, trong khi giá thủy sản khai thác được không tăng là bao, thì khó khăn lại đổ lên đầu những người bám biển.

Ông Đinh Tiến Lực, Bí thư Đảng ủy xã thì lo ngại về vấn đề lao động nghề cá, nhất là nghề khai thác xa bờ đang mai một. Qua thực tế, chỉ có những chủ tàu nào có kinh nghiệm, có khả năng kinh tế, lại gặp may trúng nhiều vụ cá mới trụ được trên biển, còn hộ nào thiếu may mắn, nợ nần dài dài đã phải bán tàu với giá rẻ, lên bờ chuyển nghề khác.

Nhưng ngay cả các chủ tàu "ăn nên, làm ra" có điều kiện xây nhà cửa khang trang, có tiền cho con ăn học đại học, cao đẳng, thì các cháu cũng không chịu theo nghề truyền thống của bố mẹ. Vì thế, thường một tàu chỉ có chủ tàu là người địa phương, số còn lại phải đi thuê tận Thanh Hóa và các địa phương khác.

Sớm ổn định giá xăng dầu, tiếp tục hỗ trợ nghề cá, giải quyết tốt bài toán lao động đi biển, nghề khai thác xa bờ Hải Phòng nói chung và Lập Lễ nói riêng mới đứng vững trước cơn bão giá, nhất là cơn lốc tăng giá xăng dầu

Anh Tú
.
.
.