Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành:

Khả năng tự vay tự trả là cao vì tính hấp dẫn của dự án

Thứ Sáu, 10/10/2014, 19:49
Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào kỳ họp Quốc hội bắt đầu vào cuối tháng 10 tới đây.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Mở đầu cuộc họp báo, hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề vốn đầu tư, nỗi lo gia tăng nợ công, và sự cần thiết của dự án đã được các phóng viên chất vấn. Giải đáp từng vấn đề, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc. Với nhu cầu vận tải tăng cao, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất thiết kế; đang được cải tạo mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Dự kiến sau năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Trong khi, việc mở rộng nâng công suất cảng hàng không này để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025-2030 là không khả thi do việc tiếp tục nâng cao công suất khai thác của Cảng chàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí minh, đồng thời hạn chế về khai thác vùng trời. Chí phí để mở rộng nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá lớn so với việc phát triển một cảng hàng không mới…Vì vây, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải thì việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành  là cần thiết đặt ra. Không những thế, theo Bộ GTVT, Dự án này là một trong những mục tiêu rất quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; đảm bảo sự thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa đi đến thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Cùng đó,  Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch tại Tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 45 km đường chim bay, nằm tại trung tâm khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước (theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các cảng hàng không lớn trên thế giới nằm cách trung tâm thành phố từ 40 đến 60km; thời gian tiếp cận tối đa khoảng 40 phút - 50 phút).

      Thế nhưng, việc đầu tư cảng hàng không mới với diện tích 5000ha, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 7,8 tỷ USD đang khiên nhiều người lo lắng việc gia tăng nợ công. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc huy động vốn đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Theo tính toán sơ bộ cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án sẽ là vốn nguồn gốc ngân sách nhà nước (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA…)giai đoạn 1 khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 58.000 tỷ đồng (khoảng 48,7% khái toán tổng mức đầu tư); và vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước( vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư) là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.000 tỷ đồng.

    Thứ trưởng Trường trả lời thêm, tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016- 2019; dự kiến chỉ vào khoảng 0,091% vào năm 2022. Kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%) nên dự án có khả năng trả nợ tốt. Thực tế đã chứng minh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính tốt, doanh nghiệp vay lại vốn ODA được Chính phủ luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn (cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Nội Bài).  Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 165 nghìn tỷ, trong đó vốn ngân sách là 85 nghìn tỷ. Con số này khá lớn. Trong quá trình đầu tư dự án, ngay từ đầu, Bộ đã trình Quốc hội rằng sẽ đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, ngoài vốn ngân sách (trái phiếu, ngân sách, ODA), bộ đang trình Chính phủ hướng vay ODA ưu đãi để kéo dài trả nợ trong nhiều năm. Nhiều nước rất quan tâm dự án và sẵn sàng cung cấp ODA. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa chọn nhà đầu tư nào mà vẫn đang lựa chọn cả nguồn vốn, công nghệ.  Thứ hai, sẽ sử dụng vốn trái phiếu ở mức độ nằm trong tổng thể QH sẽ phát hành trong giai đoạn 2016 - 2021.Đây là 2 nguồn vốn trong nước đầu tư cho giai đoạn này. Ngoài ra còn vốn tự vay tự trả của DN. Khả năng tự vay tự trả là cao vì tính hấp dẫn hiệu quả của Long Thành,thứ trưởng nhấn mạnh.

Không chỉ về vấn đề vốn, cũng có ý kiến cho rằng, sân bay TSN sẽ như thế nào sau khi Long Thành xây xong? Có phương án cho rằng sẽ bán TSN lấy tiền đầu tư vào Long Thành? Tôi khẳng định rằng TSN cần tiếp tục tồn tại, hoạt động và tiếp tục mở rộng ở một quy mô nhất định, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói rõ.  Chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến việc đóng cửa hay xẻ thịt Tân Sơn Nhất để lấy tiền phục vụ cho bất kỳ dự án nào khác. Trong trường hợp Cảng hàng không Long Thành được chấp thuận triển khai, thì giai đoạn đầu cũng chỉ đáp ứng được 25 triệu khách/năm, lúc đó sân bay Tân Sơn Nhất vẫn sẽ dùng để khai thác các đường bay quốc nội và một số chặng quốc tế ngắn

Thanh Huyền
.
.
.