Kết thúc Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC)

Thứ Sáu, 25/06/2010, 13:41
Cho tới hôm nay (25/6), có thể khẳng định, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) đã thành công tốt đẹp. Hàng loạt sự kiện quan trọng và mang tính chiến lược cho ĐBSCL cũng đã diễn ra, tạo sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế.
>> ĐBSCL cần phát huy lợi thế sông, biển

Như Báo CAND đã có lần thông tin, MDEC là sáng kiến của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các Bộ, ngành TW và 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức luân phiên hàng năm tại từng tỉnh, thành trong vùng và TP HCM theo từng chủ đề được lựa chọn.

Qua 4 năm, MDEC đã tập hợp nhiều sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý của Bộ, ngành TW, các tỉnh, thành phố trong vùng và các doanh nghiệp; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Trở lại với MDEC 2010 với chủ đề Phát huy lợi thế sông, biển, phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL được tổ chức tại TP HCM và tỉnh Kiên Giang, có tất cả 8 sự kiện quan trọng, trong đó có các hội thảo khoa học đã và đang diễn ra. Theo ông Lưu Phước Lượng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiệu quả nổi bật của MDEC là đã tập trung thảo luận vấn đề quan trọng, bức xúc nhất của vùng, thống nhất nhận định, đánh giá, có nhiều đề xuất, kiến nghị đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, có chỉ đạo cụ thể.

Uy tín của Diễn đàn ngày càng được nâng cao, sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương ngày càng có trách nhiệm và hiệu quả hơn; tính liên kết vùng và liên kết giữa ĐBSCL với TP HCM ngày càng sâu rộng, hướng đến hợp tác phát triển toàn diện. Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ và UBND TP HCM cũng vừa ký Thoả thuận Chương trình hợp tác toàn diện, giai đoạn 2009 - 2015 (trong đó có nội dung hợp tác tổ chức và hoạt động của Diễn đàn MDEC).

Nông dân ĐBSCL đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao sản lượng lương thực.

Trên cơ sở các tuyên bố chung và kiến nghị từ Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo, giao các Bộ, ngành có liên quan chủ trì phối hợp xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL, đề án tổng thể xúc tiến sản xuất, thương mại và du lịch cho vùng; thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, bổ sung qui hoạch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm giao thông vùng ĐBSCL và đề án thành lập Trung tâm thông tin, đầu mối tiếp xúc, quảng bá hình ảnh ĐBSCL đặt tại TP HCM.

MDEC đã kiến nghị Chính phủ các nhóm giải pháp hợp tác phát triển nguồn nhân lực của vùng như: Ban hành cơ chế chính sách đặc thù về Giáo dục đào tạo và dạy nghề cho vùng ĐBSCL; xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong 10 năm tới với tầm nhìn 20 năm sau khi kết thúc Quyết định 20/2006/QĐ-TTg.

Thực hiện Chiến lược này phải gắn giáo dục - đào tạo và dạy nghề với sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực theo hướng hội nhập; tăng đầu tư ngân sách cho ĐBSCL từ mức 17,17% năm 2005 lên khoảng 20% năm 2010 và khoảng 22% (tương đương dân số của vùng) trong các năm tiếp theo. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng trường ĐH mang tầm quốc tế tại ĐBSCL mà đã được Thủ tướng thống nhất chủ trương; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH trọng điểm của cả nước; xây dựng 2 trường dạy nghề cấp vùng.

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác toàn diện đã được ký kết giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và UBND TP HCM, nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Kiên Giang năm 2010, Tuần lễ ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM (từ 10 đến 14/6/2010) đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Ban Tổ chức Tuần lễ cho biết trong 5 ngày diễn ra, đã có gần 100.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, giao lưu, sinh hoạt văn hoá, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch tại hội chợ triển lãm với hơn 300 gian hàng trưng bày; đã có khoảng 70 doanh nghiệp xúc tiến và nhiều hoạt động tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Tiếp nối sự kiện Tuần lễ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ, ngành TW, UBND TP HCM và UBND 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ vừa tiếp tục tham dự các sự kiện quan trọng khác của Diễn đàn (trong 2 ngày 24 và 25/6 tại tỉnh Kiên Giang), gồm: Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL; lễ vinh danh các tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL; hội thảo quốc tế về Giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; lễ công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang,... đặc biệt là Hội nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành vùng ĐBSCL ra Tuyên bố chung của MDEC Kiên Giang 2010, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp phát huy lợi thế sông, biển, phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL

TH. Bình- H. Hiệp
.
.
.