Kết nối cảng biển, giảm áp lực giao thông

Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:58
Việt Nam hiện có 30 cảng biển đang hoạt động, với 166 bến cảng, 350 cầu cảng, tổng chiều dài khoảng 45.000m, năng lực thông quan khoảng 350 - 370 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển rất đa dạng, phong phú về tiềm năng, triển vọng, nhưng do sự đầu tư xây dựng, vị trí địa lý khác nhau và phát triển không đồng đều gây ra tình trạng cung cầu không hợp lý.

Khu vực phía Bắc chỉ có cảng Hải Phòng đang trong tình trạng quá tải trong khi các cảng biển khác và cả cảng biển miền Trung thì thiếu hàng và hạ tầng còn yếu kém.

Phía Nam, các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) được đầu tư xây dựng rất quy mô, hiện đại thì đang gặp khó khăn về nguồn hàng.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo các nhà quản lý là do các cảng nằm sâu trong sông, liền kề các khu dân cự đô thị đang phát triển đô thị hóa mạnh mẽ, mạng kỹ thuật hạ tầng sau cảng chưa đồng bộ, trở ngại việc phân luồng, thông luồng và kết nối giao thông còn nhiều bất cập.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ sẽ tiến hành rà soát thống kê toàn bộ hệ thống cảng biển để đánh giá nhu cầu, sự cần thiết và tính khả thi đối với các dự án xây dựng chưa triển khai phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch, thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án không thực hiện đúng thời gian.

Mặt khác, Bộ chủ trương tăng cường kết nối hạ tầng giao thông với cảng biển để thu hút lượng hàng hóa thông qua các cảng thông qua việc xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa, sản xuất, lắp ráp, chế biến…

Lưu lượng xe tải rất cao ra vào cảng Cát Lái.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường kết nối cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh nhằm xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông Bắc TP và các tỉnh giáp ranh.

TP Hồ Chí Minh hiện có 5 cụm cảng (khu vực Cảng Cát Lái, Trường Thọ, Tân Thuận - Khánh Hội, Hiệp Phước, Phú Hữu). Do khối lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng biển gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình giao thông trên địa bàn TP, đặc biệt là tại các tuyến giao thông ở khu vực cảng Trường Thọ và Cát Lái.

Riêng tính trong năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Cảng Trường Thọ đã đạt khoảng 20 triệu tấn/năm, tương đương 55.000 tấn/ngày.

Tại khu vực cảng Cát Lái, sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 45 triệu tấn năm 2014.

Tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh trong quý 1/2015 đạt 20 triệu tấn (tăng 15% so với cùng kỳ 2014).

Sản lượng hàng hóa qua khu vực cảng tăng cao đã kéo theo mật độ phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào hai khu vực cảng tăng lên rất cao.

Các loại xe tải, xe đầu kéo, xe container thường xuyên nối đuôi nhau đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến Xa lộ Hà Nội và ảnh hưởng cục bộ cả khu vực Đông Bắc TP.

Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này còn do mật độ các phương tiện lưu thông trên tuyến vành đại để lên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây cũng đã gia tăng tình trạng quá tải tại vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2.

Thêm vào đó, TP Hồ Chí Minh có 7 trạm thu phí đều chỉ bố trí 1 làn thu phí tự động đã làm cho các loại xe phải dừng chờ mất nhiều thời gian gây ùn tắc giao thông các giờ cao điểm.

Thực trạng giao thông đã cho thấy, đoạn đường ùn tắc nhiều nhất hiện nay từ nút giao cầu Vĩnh Thủy -Cát Lái - Xa lộ Hà Nội vì có hơn 90% xe tải, container lưu thông ra vào cảng Trường Thọ, cảng Tân Cảng vận chuyển hàng hóa đã làm toàn bộ hệ thống giao thông trên tuyến này thường xuyên bị tê liệt.

Trước tình hình giao thông tại các khu vực Cảng TP Hồ Chí Minh gây ra tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, UBND TP đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa, di dời Cụm cảng Cảng Cát Lái ra khỏi khu vực hiện nay và điều chỉnh thời gian di dời hoàn thành trong năm 2016.

Đồng thời, sớm phê duyệt Dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3, dự án nút giao cầu vượt Sài Gòn - Trung Lương.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh -Trung Lương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành -Dầu Giây cần phối hợp với Thành phố trong việc triển khai thống nhất 1 loại thẻ thu phí tự động trên toàn bộ các trạm thu phí của thành phố.

Gỡ được những nút thắt này, tình hình giao thông của thành phố sẽ giảm áp lực và hạn chế ùn tắc, đặc biệt là khi các cảng biển di dời ra xa trung tâm, các cảng biển hàng hóa trong hệ thống kết nối chặt chẽ với nhau, sẽ giải tỏa được lưu lượng các loại xe tải vận chuyển hàng hóa ra vào cảng.

Hoàng Châu
.
.
.