'Kẽ hở' khiến mỹ phẩm giả tung hoành thị trường
Những cơ sở này tự sản xuất ra sản phẩm không đúng với công bố đã đăng ký. Hậu quả là trên thị trường xuất hiện đầy rẫy những sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng, sản phẩm giả, nhái... Trong khi cơ quan chức năng chỉ nắm được những cơ sở lớn, không thể kiểm soát hết các cơ sở nhỏ lẻ, tự sản xuất.
Trong những ngày đầu tháng 7, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lậu, mang các nhãn hiệu cao cấp với số lượng lên đến cả chục tấn của hai công ty mỹ phẩm Huyền Trang và Linh Trang khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Tại Công ty Huyền Trang (quận 1) do bà Phạm Huyền Trang điều hành, kinh doanh đến hàng trăm sản phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ, nhưng trong đó có 3 sản phẩm chủ lực gồm các nhãn hiệu Sasaki, Hikato và Puroz.
Trên trang web cũng như tài liệu quảng cáo của Công ty Huyền Trang, thì các sản phẩm mang ba nhãn hiệu trên có rất nhiều công dụng. Như sản phẩm nhãn hiệu Puroz gồm có: sữa non tắm trắng, sữa tắm cát, muối tẩy thâm, bột đắp mặt nạ, viên dưỡng trắng da (chống lão hóa, khử độc tố, trị mụn, dưỡng da...).
Sản phẩm nhãn hiệu Hikato thì có bột đắp mặt nạ, bộ tắm trắng ngọc trai có tác dụng loại bỏ tế bào chết, làm se lỗ chân lông, mờ các vết nám, tàn nhang, đồi mồi trên da...
Sản phẩm nhãn hiệu Sasaki với sản phẩm chủ lực là bộ sữa tắm “siêu trắng” và được quảng cáo là có hiệu quả tức thì ngay từ lần tắm đầu tiên. Đặc biệt, các sản phẩm của Công ty Huyền Trang đều có đầy đủ các thông tin trên nhãn sản phẩm như: Công dụng sản phẩm, thành phần chính, chỉ tiêu chất lượng, cách sử dụng...
Một số nhãn mác giả thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng bị thu giữ. |
Tuy nhiên thực tế, 3 nhãn hiệu Sasaki, Hikato và Puroz, công ty mỹ phẩm Huyền Trang đăng ký thương hiệu nhưng công ty Huyền Trang này không trực tiếp sản xuất mà nhập hàng từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn mác đề xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ngoài việc nhập hàng từ Trung Quốc, tại công ty Huyền Trang còn có một số mặt hàng kem trắng da Body Whitening Sasaki Birds nest Cream, Body Whitening Sasaki Snail Cream (trên nhãn ghi xuất xứ Nhật Bản) và Body Whitening Hikato (trên nhãn ghi xuất xứ Hàn Quốc). Nhưng theo khai nhận của bà Phạm Huyền Trang thì các mặt hàng trên bà Trang đặt sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Phú Thịnh (trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).
Ngày 15/7, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra chi nhánh của Công ty Phú Thịnh (phường 7, quận 6) thì thật bất ngờ, các loại kem được sản xuất tại đây đều được nấu trong nồi lẩu điện, quậy đều bằng một chiếc vá, sau đó đổ ra ca inox rồi chiết vào các vỏ hũ bằng nhựa có sẵn, sau đó dán nhãn mác, dùng máy sấy tóc ép màng co rồi cho ra thành phẩm.
Bà Đỗ Thị Thân (47 tuổi, ngụ quận 6) - Giám đốc Công ty Phú Thịnh cho biết, nguyên liệu chế các loại kem được bà mua từ chợ Kim Biên và mua trôi nổi trên thị trường. Các hũ đựng mỹ phẩm do bà tự đặt mua hoặc do hai công ty mỹ phẩm Huyền Trang và Linh Trang gửi. Bà Thân thừa nhận, trong các loại kem dưỡng da, làm trắng da do cơ sở của bà sản xuất có thành phần gì và công dụng của các loại kem này ra sao bà cũng không hề biết.
Liên quan đến chất lượng mỹ phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có Công văn số 10948/QLD-MP ngày 22/6/2015 của về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 10 sản phẩm mỹ phẩm hiệu Aichi và Aichi Yến Oanh của Công ty TNHH một thành viên sản xuất – thương mại mỹ phẩm Yến Oanh (địa chỉ: 59/23/12 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6, TP Hồ Chí Minh) sản xuất.
Tem, nhãn giả thương hiệu nổi tiếng được dùng để dán lên các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. |
Lý do thu hồi vì sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEN). Địa chỉ nơi sản xuất không đúng với địa chỉ đã khai báo trên Phiếu công bố đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận.
Cuối tháng 5/2015, Cục Quản lý dược buộc đình chỉ lưu hành 56 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại XNK Tân Đại Dương (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) vì sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (CGMP – ASEAN)...
Mới đây nhất, ngày 16/7, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra hai điểm kinh doanh mỹ phẩm trên đường Bắc Hải (phường 6, quận Tân Bình), lập biên bản vi phạm do không xuất trình được hóa đơn, chứng từ xuất nhập khẩu, công bố chất lượng theo quy định của hơn 30 loại sản phẩm và tạm giữ hơn 300 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm để tiếp tục làm rõ.
Từ đầu năm đến nay, các đội QLTT kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng, đã lập biên bản 121 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, công bố sản phẩm, đăng ký kinh doanh..., tịch thu 58.524 đơn vị sản phẩm các mặt hàng mỹ phẩm các loại, ghi xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp...
Trước thực trạng trên, lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm và xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đối với mỹ phẩm lưu thông ngoài thị trường, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sau khi đã bị kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, những cá nhân, tổ chức nào tiếp tục vi phạm thì bị xử lý ở khung phạt nặng hơn. Trường hơp trị giá hàng hóa vi phạm lớn, tính chất nghiêm trọng sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.