Hủy kết quả đấu thầu 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5

Thứ Năm, 17/05/2007, 12:11
Cuộc thầu 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 trị giá gần 500 tỷ đồng sau gần 3 năm nâng lên hạ xuống đã bị huỷ bỏ. Kết cục buồn này được xem là "cái chết" được báo trước.

Cục Đường bộ Việt Nam buộc phải ra Thông báo 1603/TB-CĐBVN với nội dung: "Không thể ký hợp đồng với nhà thầu là Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ 234, vì nếu ký hợp đồng sẽ vi phạm luật…".

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!

Nội dung bản thông báo được Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Mai Văn Đức đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo đơn vị trúng thầu là Công ty 234.

Sau khi ghi nhận Công ty 234 đã nộp giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng bằng 10% giá trị trúng thầu, đúng thời gian đã được hai bên thống nhất tại buổi làm việc ngày 25/4/2007.

Lý do đưa ra được xem là kết thúc không có hậu cuộc thầu gần 3 năm với khá nhiều điều tiếng chính là chỗ, sau khi nghiên cứu tiết a, điểm 2, Điều 54 Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 quy định: Việc ký hợp đồng phải đảm bảo điều kiện hồ sơ dự thầu của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.

Hiệu lực của hồ sơ mời thầu được quy định tại điểm 4, Điều 31 ghi rõ: "Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 180 ngày kể từ thời điểm đóng thầu; trường hợp cần thiết có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu nhưng không quá 30 ngày".

Điều này cũng được quy định tại điểm 8, mục I của hồ sơ mời thầu chuyển giao quyền thu phí có thời hạn ban hành kèm theo Quyết định số 647/QĐ-BGTVT ngày 14/3/2005 của Bộ GTVT.

Trong khi đó, quyết định phê duyệt đơn vị trúng thầu 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 do Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra tính đến nay đã hơn 17 tháng. Với cơ sở nêu trên, Cục Đường bộ cho rằng, nếu ký hợp đồng chuyển giao quyền thu phí sẽ vi phạm Luật Đấu thầu.

Cần phải nhắc lại rằng cách đây chưa lâu, ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã ký Công văn số 1170/BGTVT-TC yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam triển khai việc ký kết hợp đồng với đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ GTVT công nhận trúng thầu là Công ty 234, thời hạn chậm nhất là ngày 15/3/2007.

Với nhiều điều kiện được đưa ra, Công văn 1170 còn nêu rõ: "Nếu bên trúng thầu không thực hiện việc ký kết hợp đồng theo quy định, thì Cục Đường bộ Việt Nam thu hồi khoản tiền bảo lãnh dự thầu nộp vào ngân sách Nhà nước, đồng thời báo cáo Bộ GTVT ra quyết định hủy kết quả đấu thầu để tiến hành đấu thầu lại".

Chấp hành ý kiến trên, ngày 12/3/2007, Cục Đường bộ đã mời đại diện Công ty 234 với tư cách là đơn vị trúng thầu lên trụ sở để ký kết hợp đồng chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ 5.

Mọi việc tưởng như đã "xuôi chèo mát mái" nếu như thông báo mới đây của Cục Đường bộ Việt Nam không đi ngược lại hoàn toàn chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, khiến dư luận hiểu rằng trống đang đánh xuôi còn kèn thì thổi ngược.

Cục Đường bộ nói gì?

Thông báo của Cục Đường bộ đồng nghĩa với việc các quyết định phê duyệt trúng thầu 4002, 4003/QĐ-BGTVT-TC của Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra trước đây buộc phải hủy bỏ.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Quyền - Cục phó Cục Đường bộ cho biết: Lý do chính khiến cuộc thầu kéo dài và không đạt kết quả, vì đây là lần đầu tiên tổ chức đấu thầu thương quyền thu phí nên Cục Đường bộ cũng như các cơ quan quản lý khác còn nhiều bỡ ngỡ và mắc sai sót.

Sau khi cuộc thầu diễn ra lại có sự thay đổi về điều kiện để thực hiện cam kết trong hồ sơ mời thầu như thay đổi vị trí 2 trạm, đề nghị khảo sát lại lưu lượng phương tiện có liên quan đến nguồn thu…

Đến khi đã quyết định công nhận Công ty 234 trúng thầu từ 10/2006, thì các cơ quan chức năng lại kéo dài thời gian xem xét để đưa ra quyết định trước những thay đổi xung quanh cuộc thầu 2 trạm thu phí.

Trong đó, phía đơn vị trúng thầu cũng có lỗi mất quá nhiều thời gian khi chuẩn bị bảo lãnh thực hiện hợp đồng vì có liên quan đến đối tác cho vay số vốn lớn là ngân hàng.

Chỉ đến 4/2007, Bộ GTVT và Bộ Tài chính mới đưa ra văn bản yêu cầu Cục Đường bộ tiếp tục ký hợp đồng chuyển giao quyền thu phí theo quyết định công nhận thầu trước đây thì đã quá muộn.

Sở dĩ Bộ GTVT "đánh xuôi" khi ban hành văn bản yêu cầu Cục Đường bộ ký hợp đồng ngay với nhà thầu trong tháng 3-2007, vì chỉ dựa trên Văn bản 2348/BTC-HCSN thông báo ý kiến của Bộ Tài chính mà không xét đến đề nghị của Cục Đường bộ tại một tờ trình trước đây.

Còn khi xem xét lại, thấy rằng thời gian đã là 17 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt đơn vị trúng thầu đưa ra. Theo quy định trong Luật Đấu thầu, thời gian đó đã quá thời hạn mà luật cho phép thực hiện việc ký kết hợp đồng.

Vì thế, Cục đành "thổi ngược" là ban hành thông báo gửi tới nhà thầu là không thể ký hợp đồng bởi làm điều đó sẽ vi phạm luật. Tất nhiên, trước khi ban hành thông báo này, Cục Đường bộ cũng đã báo cáo trực tiếp lãnh đạo Bộ GTVT và một lần nữa cũng nhận được sự đồng ý, khiến người ta không hiểu nổi cách chỉ đạo của những cán bộ chức năng Bộ đang theo hướng nào?!

Nhóm PV điều tra
.
.
.