Chuyện người quản lý:

Hướng tới phát triển mô hình mua sắm tiện lợi

Thứ Hai, 14/05/2012, 18:15
Cuối năm 2011 đầu 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam dồn dập nhiều thông tin  về các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam khiến các nhà bán lẻ trong nước phải "nhìn lại mình" trước cuộc cạnh tranh khốc liệt tiếp tục sẽ diễn ra.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, để phát triển và giữ vững thị phần mô hình siêu thị loại lớn có vẻ không còn phù hợp bằng các mô hình mua sắm tiện lợi như: siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… và đây cũng là xu hướng phát triển mô hình bán lẻ tại Việt Nam hiện nay…

Đánh giá về thị trường bán lẻ hiện nay, ngày 11/5, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2012 chỉ tăng 0,05%, mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm tháng thứ 9 liên tiếp.

Riêng Hà Nội và TP HCM thì CPI tháng 4 có mức tăng trưởng âm. So với các tháng và so cùng kỳ năm 2011 thì CPI đang giảm dần, tức là tốc độ tăng chậm dần. Với tình hình kinh tế như thế thì ngành bán lẻ cũng đã gặp không ít thách thức. Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động là 17.735 doanh nghiệp thì trong đó doanh nghiệp dừng hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm nhiều nhất với con số 5.297 doanh nghiệp.

Ông Phạm Thành Công - Chuyên viên cao cấp, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết: Hiện, người tiêu dùng (NTD) tiết kiệm hơn so với năm 2011. Giá nhiều mặt hàng tăng khiến NTD chỉ chi tiêu đến những hàng cần thiết nhất với giá cả tiết kiệm nhất. Vì vậy, NTD thường tìm các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhà cửa, (dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, bột giặt, chất tẩy rửa…), thực phẩm… với giá ưu đãi. Vì vậy, các chương trình khuyến mãi, giảm giá là yếu tố tác động mạnh đến việc thay đổi lựa chọn của NTD.

Cũng theo ông Phạm Thành Công, qua khảo sát cũng cho thấy có những lý do khiến NTD ngần ngại khi mua hàng tại siêu thị: Đó là phải xếp hàng thanh toán và mất thời gian gửi xe dù chỉ mua hàng rất ít; giá của sản phẩm sẽ cao nếu những siêu thị quá đẹp; thực phẩm đông lạnh thì chưa chắc đã tươi… Với những lo ngại này thì doanh nghiệp cần phải thay đổi quan niệm của NTD. Ngoài ra, việc ổn định giá thị trường cũng là điều rất quan trọng (hiện nay các nhà bán lẻ nước ngoài rất quan tâm vấn đề này như Big C, Metro…).

Nói về xu hướng phát triển mô hình bán lẻ, ông Công cho rằng, trong suốt thập kỷ qua, mô hình siêu thị loại lớn là loại hình bán lẻ hiện đại chính cho việc mua sắm. Nhưng ngày nay người mua sắm đang có xu hướng ít mua sắm ở đây hơn vì họ đã có nhiều sự lựa chọn "tiện lợi hơn" như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…

Cùng với nhận định trên, TS Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng, xu hướng "nhỏ là đẹp" (từ đại siêu thị hiện nay, sắp tới là cửa hàng mini, cửa hàng tiện lợi) là giải pháp cho ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong năm 2012, mặc dù đầy thách thức nhưng cơ hội vẫn còn nhiều.

Để vượt qua khó khăn này và tiếp tục cạnh tranh, doanh nghiệp phải có chiến lược giá và khuyến mãi hợp lý. Theo đó, sẽ tập trung những mặt hàng sẽ được tiêu thụ mạnh để khuyến mãi, giảm giá cũng như tăng cường làm ra những sản phẩm có nhãn hàng riêng (có giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại). Đồng thời, khi mở rộng thị trường, doanh nghiệp cũng chú ý tìm đến các khu vực còn ít cạnh tranh hoặc có mô hình cửa hàng nhỏ hơn. Đặc biệt phải nắm bắt nhu cầu của khách hàng, thu hút người mua bằng việc trưng bày và trang trí cũng như đưa ra các giải pháp dịch vụ tiện lợi cho người mua sắm

Thúy Hà
.
.
.