Hợp tác với DN chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu trong nước

Thứ Sáu, 24/07/2015, 10:09
Những năm gần đây, việc giả mạo xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng sản xuất tại Việt Nam để lợi dụng chính sách ưu đãi mà Việt Nam đang được hưởng đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) làm ăn đứng đắn.

Hiện quá trình kiểm tra hàng hóa còn nhiều bất cập như thiếu căn cứ pháp lý để xác định hàng hóa không sản xuất tại Việt Nam và không có cơ quan giám định, chủ yếu cơ quan chức năng căn cứ theo lời khai của chủ hàng (ghi chữ nước ngoài, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ).

Đánh giá quá trình kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, ông Trần Việt Hưng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, khó khăn của cơ quan Hải quan trong kiểm soát bảo vệ sở hữu trí tuệ chính là tính chất phức tạp của hoạt động buôn lậu trên các tuyến biên giới.

Mặt khác, khi cơ quan Hải quan thực hiện hệ thống thông quan tự động, xuất hiện tình trạng người khai hải quan còn chưa chủ động khai báo nhãn hiệu hàng hóa trên hệ thống để tránh chuyển luồng.

Cùng với đó, trong kiểm tra hàng hóa tại khâu nhập khẩu vẫn còn bộc lộ một số bất cập về ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và công tác phối hợp giữa các lực lượng… Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mang nhiều thương hiệu nổi tiếng, trong đó có nhiều sản phẩm do chính DN Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên số DN này còn thờ ơ, chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu. 

Nguyên nhân là do các DN làm ăn chân chính còn lo ngại về thông tin hàng hóa bị làm giả sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường; một bộ phận chi nhánh, cửa hàng tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu. Mặt khác, một số DN nhập khẩu sản phẩm thành phẩm “đội lốt” nguyên liệu sản xuất hòng hưởng các chính sách ưu đãi. Một trong những bất cập khác là trong quá trình trao đổi thông tin giữa các lực lượng từ trong nội địa ra đến biên giới vẫn còn cát cứ, chưa được kết nối, liên thông. 

Ông Trần Việt Hưng kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm xem xét, sửa đổi các quy định nhằm nâng cao quá trình kiểm soát như sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009. Trong đó, nhiều quy định kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ không còn phù hợp như mốc thời gian đưa ra thông báo tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu từ 3 đến 10 ngày để chủ thể quyền cung cấp tài liệu cho cơ quan Hải quan xem xét tình trạng pháp lý của hàng hóa.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Trí Dũng đề nghị, cần có quy định về trách nhiệm thực thi chống hàng giả và hợp tác chống hàng giả của các DN, tránh tình trạng DN né tránh hợp tác chống hàng giả của chính mình. Theo đó, sửa đổi nội dung liên quan đến thẩm quyền và trình tự thủ tục, chủ động đấu tranh chống hàng giả khi chủ sở hữu không hợp tác và có chính sách với từng quốc gia về biện pháp chống hàng giả…

Phan Đức
.
.
.