Hơn 11 triệu hộ chăn nuôi sẽ thất nghiệp nếu thiếu chính sách hỗ trợ

Thứ Sáu, 11/09/2015, 09:17
Trước “cơn bão” hội nhập đang đến, chăn nuôi là một trong những ngành Việt Nam xác định là có sức cạnh tranh kém và dễ bị đánh bại ngay cả trên sân nhà. Trong mọi hoàn cảnh, người tiêu dùng đương nhiên sẽ được hưởng lợi với nhiều hàng hoá hơn, giá rẻ hơn. Nhưng nếu kịch bản xấu là nền chăn nuôi trong nước phá sản xảy ra, sẽ là cả một bài toán lớn về giải quyết lao động dôi dư từ 11,3 triệu hộ chăn nuôi hiện nay.
TS Nguyễn Thị Thu Hằng – đại diện nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: TPP là Hiệp định được trông chờ và dự kiến sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, trong đó ngành chăn nuôi được dự báo sẽ nhận tác động tiêu cực. Chăn nuôi của Việt Nam mang nhiều đặc điểm yếu kém về sức cạnh tranh, quy mô sản xuất nhỏ, giá thành cao, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và giống, dịch bệnh luôn có nguy cơ đe doạ và vấn đề an toàn giết mổ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, riêng trong chăn nuôi bò sữa, đại diện phần lớn bởi chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ với quy mô khoảng 20.000 hộ, phần lớn chỉ có 3-4 con bò. Số hộ nuôi 50 con trở lên chỉ chiếm dưới 1%. Đây cũng là đối tượng sẽ chịu tác hại nhiều nhất bởi những tiêu cực nếu có của ngành chăn nuôi. Cũng theo kết quả nghiên cứu, TPP sẽ gây tác động rõ nét hơn Cộng đồng chung ASEAN (AEC), bởi có những nước có nền nông nghiệp rất phát triển như Úc, New Zealand và Mỹ.

Theo TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi bởi hàng hoá rẻ hơn, đa dạng hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, người chăn nuôi và DN sản xuất sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt. “Câu chuyện với ngành chăn nuôi khi cạnh tranh trong TPP không phải là xuất khẩu thế nào mà là chống chọi trên sân nhà như thế nào”. Nhóm chuyên gia đưa ra khuyến nghị cần khuyến khích sản xuất quy mô lớn và tạo ra liên kết.

Ngành chăn nuôi sẽ chịu áp lực lớn khi Việt Nam hội nhập sâu hơn.

Chỉ ra thực tế thị trường hiện nay khi chưa có TPP, thị trường thịt lợn, trứng, chăn nuôi cũng đã bị thao túng quá nửa bởi nước ngoài, TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng để những nước có nền nông nghiệp tiên tiến như New Zealand vào cạnh tranh với Thái Lan chưa chắc đã là dở.

“Để Mỹ vào bán thịt gà, cạnh tranh bán trứng với CP thì sẽ không còn cảnh giá trứng từ 2.200 đồng/quả lên đến 2.700 đồng/quả mà không cần lý do gì cả. Thực ra ta có gì đâu mà cạnh tranh. Ngay cả TH Truemilk công nghệ cũng là Israel, con bò giống là New Zealand, Việt Nam mới có mấy chục hecta trồng cỏ. Khi có TPP, đương nhiên nước ngoài sẽ vào và chưa chắc đã là dở, vì ta đã cạnh tranh dở rồi, cũng chẳng dở hơn được nữa” – TS Chung bày tỏ.

Một số chuyên gia cũng khuyến nghị nên cân nhắc cần căn cứ vào tổng thể để quyết định có nên tập trung đầu tư vào chăn nuôi để cạnh tranh hay không, hay tập trung những lợi thế lao động, vốn, đất đai để chuyển sang ngành khác cạnh tranh có lợi hơn. “Nhóm chuyên gia của VEPR khuyến nghị nên dành đất đai đầu tư cho chăn nuôi, giảm diện tích trồng lúa từ 3,8 triệu ha xuống còn 3 triệu ha. Nhưng câu hỏi là đầu tư như vậy chăn nuôi có cạnh tranh được không. Và nếu không cạnh tranh được thì những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ phải tính sinh kế của họ ra sao?”.

Bày tỏ quan điểm phản đối ý kiến trên, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, nói như vậy chúng ta ăn thịt nhập hết, trong khi ta còn 11,3 triệu hộ nông dân, trong đó có 7 triệu hộ nuôi gà, 4 triệu hộ nuôi lợn và 2,5 triệu hộ nuôi vịt. “Thái Lan có lở mồm long móng, ta cũng lở mồm long móng, Thái Lan có cúm gia cầm, ta cũng có cúm gia cầm, tại sao ngành chăn nuôi Thái Lan xuất khẩu được 4 tỷ USD, ta lại không làm được? Chẳng lẽ nông dân ta kém lắm à?” – ông Lịch đặt vấn đề. Theo ông Lịch, Việt Nam có những yếu tố bất lợi như lãi suất có lúc lên đến 24%, hiện cũng là 12%, trong khi Trung Quốc lãi 5%, Thái Lan 3%, Mỹ 0,5%, thì làm sao cạnh tranh nổi.

Còn theo ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thì cái rào cản lớn nhất tác động đến hội nhập của ngành chăn nuôi chính là cơ chế chính sách. “Người chăn nuôi sợ nhất điều ấy. Một quả trứng cõng đến 14 loại phí”.

“Chúng tôi đã thảo luận với các chuyên gia Mỹ, họ bảo các ông thích ăn cánh với đùi gà, chúng tôi chỉ ăn ức, sao các ông không cắt ức để bán. Đấy rõ ràng là lợi thế. Ta đứng thứ 2 thế giới về thuỷ cầm. Tại sao chúng ta cứ tự ti rằng chỉ có thể cạnh tranh trong nội địa? Tôi xin nói rằng toàn bộ hệ thống phân phối gia cầm nằm trong tay DN Việt Nam, nằm trong các DN thuộc hiệp hội. Điều kiện kỹ thuật ta xấp xỉ, con giống như nhau, trình độ thâm canh tương đương, chỉ có giá thức ăn hơi cao hơn một chút thôi, hoàn toàn cạnh tranh được. Việt Nam chỉ sau Trung Quốc về sản lượng trứng và gia cầm. Tôi cũng cung cấp thêm thông tin là giá trứng ở Mỹ hôm nay rất cao, KFC phải quay sang mua trứng ở Việt Nam, dù trước đó không mua. Chúng tôi chỉ lo về chính sách và an toàn thực phẩm. Cái đó là phải Nhà nước. Chi phí cao làm tăng giá thành và kìm hãm sức mạnh của ngành chăn nuôi” - ông Khanh bày tỏ.

Vũ Hân
.
.
.