Nghịch lý giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa không giảm:

Hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ kiến nghị cơ quan quản lý giá

Thứ Năm, 15/01/2015, 10:03
“Nước lên thuyền lên”, nhưng “nước xuống thì thuyền phải xuống”, đó là quy luật thông thường. Tuy nhiên, xăng dầu giảm giá sâu, các mặt hàng tiêu dùng hầu như không giảm. Người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi một sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý.

Giá xăng dầu giảm kỷ lục khiến người tiêu dùng vô cùng phấn khởi. Khi chi phí sản xuất giảm bớt, chi phí vận tải cũng theo giá xăng dầu đi xuống thì cuộc sống người dân sẽ dễ chịu hơn. “Nước lên thuyền lên”, nhưng “nước xuống thì thuyền phải xuống”, đó là quy luật thông thường. Tuy nhiên, xăng dầu giảm giá sâu, các mặt hàng tiêu dùng hầu như không giảm. Người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi một sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa ông, việc giảm giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian qua ông thấy có lợi như thế nào với người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trước đây, giá xăng dầu thường bị chỉ trích nhiều, nhưng đến nay công bằng mà nói thì giá xăng dầu cũng đã kịp thời điều chỉnh và thậm chí điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với giá xăng dầu thế giới. Có thể nói, việc làm trên đã đem lại lợi ích rõ rệt cho người tiêu dùng, cụ thể là những người sử dụng xăng dầu hằng ngày. Bản thân tôi trước đây đổ bình xăng xe máy hết 80-90.000đ, nay chỉ 50.000đ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

PV: Theo ông, người tiêu dùng có mong muốn gì khi giá xăng dầu giảm?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta đều biết xăng dầu là chi phí đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là đối với vận tải. Theo người trong ngành thì chi phí xăng dầu chiếm đến 40-50% tổng chi phí. Vậy thì đáng lẽ cước vận tải phải giảm tương ứng. Cụ thể là xăng dầu giảm tới trên 30% thì cước vận tải phải giảm xuống khoảng 14-15% mới hợp lý. Nhưng đến nay, cước vận tải hầu như giậm chân tại chỗ. Có một số doanh nghiệp giảm nhưng chỉ ở mức dưới 5% là chưa hợp lý. Ngoài ra, xăng dầu còn ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác tuy ở mức độ khác nhau nhưng đều liên quan đến cước vận tải. Vì vậy, điều mà người tiêu dùng đặt ra là trước hết cước vận tải phải giảm tương ứng và các hàng hóa có liên quan khác thì cũng cần có điều chỉnh giảm trên cơ sở cước vận tải giảm.

Chúng ta thường nói đến cơ chế thị trường nhưng theo tôi, cơ chế thị trường là có sự quản lý của Nhà nước, vậy thì vấn đề được đặt ra là các công cụ quản lý giá của Nhà nước phải được phát huy để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Ví dụ như vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, Sở Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bình ổn thị trường rà soát lại cơ cấu giá thành để kê khai, điều chỉnh lại giá bán các mặt hàng và bình ổn cho phù hợp. Nếu thực hiện nghiêm túc thì mới tránh được nghịch lý thị trường.

Người dân trông đợi giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa.
PV: Ông đánh giá thế nào về phản ứng của người tiêu dùng trước việc giá xăng dầu giảm mà giá cước vận tải và nhiều mặt hàng hóa khác hầu như không giảm? Có doanh nghiệp vận tải hành khách nói rằng, họ chỉ tăng giá vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại nhiều và khó tính chi phí để giảm giá vé, trong khi còn nhiều chi phí khác để vận hành?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể nói người tiêu dùng rất thắc mắc, thậm chí bức xúc trước một hiện tượng không bình thường là khi giá xăng dầu lên thì giá cước vận tải và nhiều mặt hàng hóa tăng rất kịp thời. Nhưng, tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu đã giảm đến 13 lần, tức là tới trên 30% nhưng cước vận tải và giá hầu hết các mặt hàng có liên quan hầu như chưa giảm. Tuy có nhiều lý do đưa ra nhưng người tiêu dùng thấy chưa có sức thuyết phục. Ví dụ, nói thủ tục điều chỉnh giá phức tạp, khó khăn, vậy khi điều chỉnh lên sao không vướng thủ tục mà chỉ khi điều chỉnh xuống mới vướng thủ tục?. Đành rằng giá cả theo cung cầu (tăng dịp lễ, Tết) nhưng đứng về nguyên tắc thì phải theo một trục, có lên thì phải có xuống.

PV: Trước thực trạng đó, Hội có ý kiến gì để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Hội, Hội đã nhiều lần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông. Và ngay sáng 13/1, Thường trực Trung ương Hội đã họp và thống nhất sẽ có công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về giá có biện pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.