Hoạt động chế tác, kinh doanh vàng trang sức vẫn khó đủ đường

Chủ Nhật, 11/05/2014, 16:22
Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh (SJA), Thông tư 22 của Bộ KH&CN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng; quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới sẽ gây khó khăn không ít tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ...

Bởi quy định cho phép vàng trang sức được dùng kim loại nền nhưng với yêu cầu phải xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn với thành phần là vàng. Trong khi đó, đây là những sản phẩm trang sức cần tính thẩm mỹ cao nên sự hài hòa giữa kim loại nền và vàng là cần thiết, do vậy việc áp dụng vào thực tế là rất khó.

Đồng thời, mặt hàng vàng trang sức mỹ nghệ còn có những sản phẩm xi mạ là phi kim loại và có khi phải xi đến 2 - 3 lớp nên không tính nổi nước xi và số tiền còn đắt hơn vàng nhiều lần. Hơn thế, đến nay tuy chưa có đơn vị nào đủ tư cách pháp lý để đo lường sự đạt chuẩn của chất lượng vàng thì quy định mức phạt tiền cao gấp 15 lần/sản phẩm vi phạm cũng khiến giới kinh doanh vàng lo ngại. Nhất là khi tất cả phương tiện cân đo dùng trong hoạt động mua, bán vàng trang sức đã phải qua kiểm định, xuất trình giấy chứng nhận kiểm định cho cơ quan chức năng.

Chế tác vàng trang sức tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, một quy định nữa gây khó cho giới kinh doanh vàng trang sức là phải chứng minh nguyên liệu đầu vào của sản phẩm vàng chế tác. Trong lúc các giao dịch vàng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp (DN) buôn bán, chế tác vàng trang sức trên thị trường đều trên cơ sở thỏa thuận; nguồn vàng mua vào phần lớn là vàng trôi nổi trên thị trường hoặc được mua lại từ nguồn dự trữ trong dân.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đến nay thị trường vàng trang sức trong nước vẫn còn manh mún, kém phát triển. Ngoài một số ít DN lớn, đa số DN còn lại chỉ đi gia công và kinh doanh hàng trang sức nhập ngoại. Lý do, giới kinh doanh mặt hàng này chưa được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và chưa được tiếp cận vốn vay ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Sản xuất manh mún, nên cũng mới chỉ có một vài DN mạnh có thể tham gia xuất khẩu vàng trang sức. Việc các NHTM đồng loạt vào cuộc để giải quyết tình trạng khó khăn về vốn vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu được SJA kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu về vốn cho khoảng 70% trong số 3.000 DN kinh doanh vàng và nữ trang của TP Hồ Chí Minh. Nhưng giới chế tác, kinh doanh vàng trang sức tại TP Hồ Chí Minh cũng lo ngại phía ngân hàng áp theo các quy định trên để cho vay thì sẽ có rất ít DN đủ điều kiện được vay.

Để gỡ khó về nguyên liệu, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị NHNN xem xét cho phép các DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Với những DN không đủ điều kiện nhập khẩu, NHNN cần xem xét ủy thác cho một số DN có đủ điều kiện nhập về, sau đó bán lại cho các DN khác. Và để đảm bảo việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu được công khai, minh bạch, sát với yêu cầu của các DN, phía Hiệp hội cũng đề nghị NHNN cho phép Hiệp hội tham gia vào quá trình cấp phép.

Một đại diện Hiệp hội khẳng định, dù NHNN cho phép các DN đồng loạt nhập khẩu vàng nguyên liệu, vấn đề nhập siêu cũng không đáng ngại. Bởi hoạt động xuất khẩu vàng trang sức sẽ góp phần thu hồi lại số lượng ngoại tệ đã được sử dụng để nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đồng thời góp phần giảm được chênh lệch giá vàng cũng như hạn chế nguy cơ nhập lậu vàng

Đ.Thắng
.
.
.