Hoàn thiện chính sách pháp luật trong quản lý tài nguyên

Thứ Ba, 21/07/2020, 07:41
Trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt năng động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, môi trường.

Đó là nội dung được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2020, ngày 20-7.

Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn, những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn để tạo động lực cho phát triển, hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, nhiệm vụ đề án đã đăng ký trong Chương trình xây dựng văn bản pháp luật, Chương trình công tác. Bộ tiếp tục phối hợp với các đơn vị và cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử và hạ tầng cho chuyển đổi số trong từng lĩnh vực.

Bộ tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử và hạ tầng cho chuyển đổi số trong từng lĩnh vực; tập trung xây dựng dữ liệu thông tin địa lý, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia để triển khai các ứng dụng thông minh, tự động hóa; hoàn thiện, hiện đại hóa hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia nhằm sớm đồng bộ hóa hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia; tập trung xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia phủ trùm cả nước; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và siêu dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; hợp tác với Ấn Độ (cơ quan ISRO) lập trạm Dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh (trạm ASEAN - Ấn Độ).

Ngoài ra, Bộ nỗ lực hoàn thành và công bố số liệu kiểm kê đất đai để làm đầu vào cho lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai lập các quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường; triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải đảm bảo tối ưu về kinh tế, an toàn về xã hội và môi trường.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo xa; dự báo và cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Một trong những nhiệm vụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên thực hiện là triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-9-2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai chương trình đánh giá liên ngành để có giải pháp tổng thể công trình và phi công trình phòng, chống sạt lở, sụt lún; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia.

Nước mặt từ các sông, kênh, rạch là nguồn tài nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống và sản xuất của người dân Bến Tre.

“Siết” quản lý khu dự trữ sinh quyển, nhận định thời tiết 6 tháng cuối năm

Tại cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam thời gian qua cho thấy còn nhiều bất cập. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định quản lý dành riêng cho các khu dự trữ sinh quyển; nguồn kinh phí hoạt động, vận hành các khu dự trữ sinh quyển cũng chưa có quy định cụ thể.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất các giải pháp tới các bộ, ngành và địa phương liên quan kiện toàn công tác quản lý các khu dự trữ sinh quyển; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan; xây dựng Chiến lược phát triển các khu dự trữ sinh quyển; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các khu dự trữ sinh quyển; chú trọng công tác tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức; thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các khu dự trữ sinh quyển trong hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia...

Về nhận định diễn biến khí tượng thủy văn trong 6 tháng cuối năm 2020, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết: Từ tháng 7 đến tháng 9, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng hoạt động trên khu vực biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Nắng nóng còn xảy ra ở Bắc Bộ trong tháng 7 và từ tháng 7 đến tháng 8 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc xoáy trên phạm vi toàn quốc, gió mạnh trên biển do tác động của gió mùa Tây Nam vào thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 8 ở vùng biển phía Nam biển Đông.

Tình hình nguồn nước từ tháng 7-9 trên các lưu vực sông phổ biến thiếu hụt từ 20 đến 40% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt thiếu hụt tại hạ lưu sông Thao, hạ lưu sông Hồng. Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, Cục phó Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với Tổng cục Khí tương Thủy văn, các địa phương và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng trong 9 quy trình vận hành liên hồ chứ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là các hồ chứa có vai trò quan trọng cấp nước cho hạ du.

Cùng với việc phối hợp tăng cường dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn mặn, xâm nhập mặn... Cục và các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm; nghiên cứu, đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp cho đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng...

Hoàng Nam
.
.
.