Hở từ cơ chế tính giá nhập khẩu xăng dầu

Thứ Ba, 28/08/2012, 16:21
Với đề nghị cho tăng giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp chỉ trong 1 tháng, dư luận xã hội đã thực sự nghi ngờ đối với cách kê khai, áp giá nhập khẩu của DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và cả đối với chính sách kiểm soát giá nhập khẩu xăng dầu hiện nay.
>> Người dân bức xúc vì cây xăng ngưng bán

Vừa liên tục tăng giá bán lẻ 2 lần ở mức 2.000 đồng/lít xăng và 1.250 đồng/lít dầu trong nửa đầu tháng 8 khiến người dân, DN còn chưa kịp tìm kiếm nguồn thiếu hụt để bù đắp khoản chi phí tăng do giá cả hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu tăng. Lại tiếp tục than lỗ, Saigon Petro đã mở màn cho đợt tăng giá thứ 3 trong tháng. “Đồng thanh tương ứng” với Saigon Petro, một vài DN đầu mối khác cũng đã kịp đưa ra đề nghị cho tăng giá xăng dầu.

Vì vậy, với đề nghị cho tăng giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp chỉ trong 1 tháng này, dư luận xã hội đã thực sự nghi ngờ đối với cách kê khai, áp giá nhập khẩu của DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và cả đối với chính sách kiểm soát giá nhập khẩu xăng dầu hiện nay.

Giá bán lẻ xăng dầu lại nhấp nhổm đòi tăng.

Lý do được các DN đầu mối biện bạch khi đề nghị được cho tăng giá bán lẻ thêm 1.100 - 1.200 đồng/lít với xăng và dầu 700- 800 đồng/lít là: Mức tăng như vậy mới bằng với khoản lỗ của DN nếu tính giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 30 ngày. Còn tính giá bình quân 10 ngày, DN nhập khẩu đang lỗ khoảng 2.000 đồng/lít với xăng và 1.400 đồng/lít với dầu DO. Trong khi đó, thông tin về giá xăng A92 chào bán tại thị trường Singapore trong tháng 7 chỉ dao động ở mức 13.930 đồng đến 16.750 đồng/lít.

Sang tháng 8 sau khi có đợt tăng giá kịch trần, từ ngày 17/8 vừa qua giá xăng dầu đã giảm dần... Giá nhập khẩu thấp, song giá bán trong nước vẫn cao ngất ngưởng như vậy, theo giải thích của DN đầu mối là do xăng dầu phải gánh thuế, phí, quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức… Thậm chí có thời điểm mức thu ở 8% giá xăng và 7% giá dầu. Tùy thời điểm, cứ tiêu thụ một lít xăng, dầu, người dân phải nộp từ 20-32% trên giá bán cho các loại thuế, phí, tương ứng từ 6.000-7.000 đồng/lít. Vì vậy, đây là cơ sở để Bộ Tài chính giảm mức thu, không cho tăng giá xăng dầu lần thứ 3 trong tháng.

Thực tế, với DN đầu mối lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là Petrolimex, hiện chiếm chừng 55% thị phần bán lẻ và đang sở hữu trên 2.100 cây xăng. Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu này của Petrolimex cũng đã chiếm tỷ lệ 16% tổng số cây xăng và chiếm khoảng 30% lượng xăng dầu bán lẻ trên cả nước… Theo quy định của Bộ Tài chính, chiết khấu và các chi phí kinh doanh của DN đầu mối chỉ được gói gọn ở mức 600 đồng/lít hoặc kilôgam. Nhưng qua các đợt kiểm tra của Bộ Tài chính, Petrolimex đã chi chiết khấu tới 860 đồng/lít; các đầu mối khác trả hoa hồng cho đại lý bán lẻ lên tới 800-850 đồng/lít, đẩy chi phí kinh doanh xăng dầu vọt lên tới 1.100-1.200 đồng/lít.

Ngoài Petrolimex, hầu như DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu nào cũng có hệ thống cây xăng bán lẻ, mức chiết khấu hoa hồng cao như vậy khiến công ty mẹ lỗ, nhưng DN con bên dưới là xí nghiệp bán lẻ và cửa hàng lại lãi lớn. Vì vậy, dù than lỗ nhưng thực tế có một khoản lãi không ít vẫn rơi vào “túi” doanh nghiệp đầu mối.

Được trao quyền tự quyết định giá bán lẻ với điều kiện không tăng quá 7% kèm theo yêu cầu tính trên giá cơ sở và biến động thị trường thế giới trong vòng 30 ngày hoặc 10 ngày.

Tận dụng kẽ hở này, ngay khi giá xăng A92 tại thị trường tại Singapore ngày 22/8 vọt lên mức 125 USD/thùng. DN đầu mối đã cộng dồn để lấy mức giá trung bình trong 30 ngày làm cơ sở để đòi điều chỉnh giá bán lẻ trong nước

Đ.T.
.
.
.