Hệ lụy từ việc khai thác titan ồ ạt

Chủ Nhật, 05/08/2012, 11:30
Tình trạng khai thác titan tràn lan, ồ ạt đã gây ra nhiều hệ lụy môi trường, tàn phá rừng phòng hộ ven biển, làm sạt lở bờ biển. Ngoài ra, chính hệ thống khai thác titan cuốn chiếu, sử dụng bãi thải không đúng chức năng đã làm suy giảm nước ngầm, xâm nhập mặn; làm phát tán chất phóng xạ...

Ngày 3/8, tại TP Hội An, Quảng Nam, Hiệp hội titan Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai việc tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo vệ, cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản titan nhằm chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép làm thất thoát tài nguyên khoáng sản và ngân sách Nhà nước...

Báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và titan nói riêng trong thời gian qua được đánh giá là “quá nóng” khi số lượng đơn vị tham gia khai thác chế biến ngày càng nhiều, với công suất trên 1,2 triệu tấn/năm. Trữ lượng dự báo quặng titan đến tháng 1/2012 khoảng 658 triệu tấn, dự báo huy động cho quy hoạch khoảng 440 triệu tấn.

Một doanh nghiệp khai thác titan ở ven biển Núi Thành, Quảng Nam.

Tất cả trữ lượng trên nằm trong 89 mỏ và điểm quặng, tập trung tại 4 vùng (Vùng 1 từ quặng gốc Thái Nguyên; vùng 2 từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên - Huế; vùng 3 từ Quảng Nam đến Bình Định và vùng 4 từ Phú Yên đến Bình Thuận); trong đó, ở Ninh Thuận chiếm hơn 90% trữ lượng zircon... Nguyên nhân là do nhu cầu giải phóng mặt bằng ven biển phục vụ du lịch, dân sinh tăng cao dẫn đến việc cấp phép khai thác với số lượng lớn, vượt sản lượng; công tác quản lý còn hạn chế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu đồng bộ. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có nhu cầu nguyên liệu titan rất lớn, dẫn đến khai thác vượt quy hoạch và xuất khẩu lậu khoáng sản...

Tình trạng khai thác titan tràn lan, ồ ạt đã gây ra nhiều hệ lụy môi trường, tàn phá rừng phòng hộ ven biển, làm sạt lở bờ biển. Kỹ sư Đỗ Thanh Thao, Trưởng phòng Kỹ thuật kiêm Giám đốc điều hành mỏ của Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định, cho biết: Hiện ở tỉnh Bình Định đã có 3 nhà máy chế biến titan đi vào hoạt động với tổng công suất 65.000 tấn xỉ/năm. Ngoài ra, có 3 nhà máy đang lập dự án đầu tư với tổng công suất lên đến 87.000 tấn/năm.

Trong khi, Bình Định được Chính phủ quy hoạch đến trước năm 2020 là 10.000 tấn, năm 2021 đến năm 2025 là 20.000 tấn và sau 2025 là 50.000 tấn. Tuy nhiên, với công suất khai thác như đã nêu thì trữ lượng titan tại Bình Định khai thác chỉ được 4-5 năm là hết...

Kỹ sư Thao lo lắng rằng, hoạt động khai thác titan đã làm thay đổi địa hình, bề mặt địa hình mấp mô, chênh lệch cao độ lớn, vật liệu trở nên tơi xốp hơn, các cồn cát không theo quy luật tự nhiên dễ di động hơn trước đây. Đặc biệt, làm mất đi một số đê chắn sóng tự nhiên và rừng phòng hộ ven biển dẫn đến hậu quả bờ biển chịu tác động trực tiếp của gió to, sóng lớn; sóng biển gây xâm thực bờ kéo theo nhiều tài sản nhân dân ra biển... Ngoài ra, chính hệ thống khai thác titan cuốn chiếu, sử dụng bãi thải không đúng chức năng đã làm suy giảm nước ngầm, xâm nhập mặn; làm phát tán chất phóng xạ, cụ thể có những khoáng vật mang tính phóng xạ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN-MT, thì nước ta có nguồn tài nguyên titan lớn, tuy nhiên việc khai thác, chế biến vẫn còn là những sản phẩm thô. Vì vậy, để nâng cao giá trị nên triển khai theo phương châm “khai thác đến đâu, chế biến đến đấy” nhằm tận dụng hết và đảm bảo môi trường...

Thực tế, việc khai thác titan đang tồn tại một mâu thuẫn xã hội; trong đó nảy sinh chủ yếu giữa nhân dân địa phương và doanh nghiệp khai thác, mà nguyên nhân cơ bản là sự chia sẻ lợi ích giữa các bên chưa được đồng thuận. Đỉnh điểm của sự việc là cản trở hoạt động khai thác, khiếu kiện đông người

An Khang
.
.
.