Hậu quả khôn lường nếu cứu nguy hàng tạm nhập - tái xuất

Thứ Ba, 25/09/2012, 22:05
Như Báo CAND đã nhiều lầnphản ánh, tình trạng ách tắc hàng hóa tạm nhập tái xuất (TN – TX) tại khu vực biên giới Quảng Ninh đã kéo dài và chắc chắn không còn cơ hội để có thể tái xuất sang Trung Quốc trong vòng vài tháng nữa. Điều đáng lo, trong khi tình hình chưa cải thiện, số lượng hàng hóa tồn đọng lại ngày một gia tăng.

Nếu như trong tháng 8/2012, có trên 3.500 container ứ đọng tại Móng Cái thì đến thời điểm này (chưa hết tháng 9/2012), con số kiểm đếm chính xác được UBND tỉnh công bố là 4.200 container. Trong đó, chủ yếu là hàng thực phẩm đông lạnh, các bộ phận nội tạng gia súc, gia cầm; hàng phế liệu, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và không loại trừ cả hàng hóa chứa các chất độc hại. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, giải phóng số hàng hóa tồn đọng này, nhiều hiểm họa về môi trường có thể xảy ra, ANTT trên địa bàn biên giới bị ảnh hưởng.

Đó là chưa kể đến hiện tượng doanh nghiệp cầm chắc khả năng mất trắng hàng, tiếc của, tự giải thoát theo cách riêng sẽ làm lũng đoạn thị trường, gia tăng áp lực cho các lực lượng chức năng đang phải tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát cửa khẩu, đường biên trong chuỗi nhiệm vụ công tác căng thẳng: chống buôn lậu và gian lận thương mại giai đoạn cuối năm.

Được biết, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động liên hệ với thương nhân Trung Quốc (những ông chủ thực sự khi hàng tái xuất sang nước họ) để tìm ra giải pháp tự cứu mình. Qua đó, phía Trung Quốc đồng ý tiếp nhận hàng tái xuất tại các cửa khẩu biên giới ngoài địa phận tỉnh Quảng Ninh.

Dù đó chưa phải là chủ trương thống nhất của hải quan Trung Quốc, số lượng bao nhiêu, mặt hàng gì và trường hợp của doanh nghiệp nào còn tùy thuộc vào kết quả đàm phán, thương lượng từ bên kia biên giới, song thông tin ban đầu cho thấy, hàng thông biên được cũng rất hạn chế, doanh nghiệp Việt chỉ thụ động làm theo yêu cầu của họ. Theo tính toán chủ quan của các doanh nghiệp, nếu chịu khó tháo gỡ từng bước theo hướng này thì ít nhất cũng có thể tái xuất được một phần trong số 4.200 container tại Móng Cái. Có nghĩa ít còn hơn không.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất về việc siết chặt quản lý hàng TN - TX, Bộ Công thương đã chính thức ban hành danh mục, điều kiện hàng hóa TN - TX được và không được phép thực hiện. Trong đó, ngày 28/8/2012, Tổng cục Hải quan có văn bản đưa ra điều khoản: "Không được thay đổi địa điểm của khẩu tái xuất so với khai báo hải quan". Nghĩa là, hàng được chỉ định tái xuất tại Móng Cái thì phải án binh tại đó, không thể chuyển sang cửa khẩu khác. Quả thực, khó ai có thể yên ổn ngồi trước 4.200 container hàng TN - TX tồn đọng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngày 21/9/2012, tỉnh đã chính thức có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị linh hoạt chưa áp dụng biện pháp không cho doanh nghiệp tái xuất hàng tạm nhập qua cửa khẩu khác đã đăng ký. Đó là giải pháp tình thế để doanh nghiệp buộc phải nỗ lực tự thân vận động, thương thảo, đàm phán với đối tác để giải phóng hàng hóa được chừng nào hay chừng đó.

Nếu đề nghị trên được chấp thuận, không riêng Quảng Ninh, ngay cả Hải Phòng cũng nhẹ bớt nỗi lo. Bởi hàng hóa tạm nhập về cảng hiện cũng đang tồn đọng ở mức báo động. với khoảng hơn 20.000 TEU hàng đã tạm nhập (tương đương với 20.000 container loại 20 feet), trong đó hơn 1.000 container là hàng đông lạnh bị ùn ứ đến vài tháng nay. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại cảng nhập khẩu và thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp là rất lớn.

Liệu sẽ có những ca tương tự trong số hàng ngàn container TN - TX ứ đọng kéo dài tại Móng Cái vào thời điểm này?

Lê Minh Triết
.
.
.