Hậu Giang: Nhiều công trình tiền tỷ mới sử dụng đã…hỏng

Thứ Tư, 06/08/2008, 09:04
Công trình gây nhiều tai tiếng nhất phải kể đến Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Đây là công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng theo Quyết định 1351 ngày 17/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Thế nhưng, khi khởi công xây dựng chưa được bao lâu thì xảy ra hàng loạt tai tiếng xung quanh việc công trình bị rút ruột. Từ cuối năm 2006, Báo CAND đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng rút ruột công trình cũng như việc lúng túng giải quyết hậu quả của chính quyền địa phương.

Tương tự, một công trình khác là sân vận động lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Vì nằm trên địa bàn huyện Vị Thủy nên được gọi sân vận động huyện Vị Thủy. Công trình được phê duyệt đầu tư vào năm 2001, với thiết kế quy mô 5.000 chỗ ngồi, có diện tích 30.134m2 và thời gian thi công là 300 ngày (kể từ ngày khởi công), bao gồm các hạng mục: hàng rào xung quanh sân bóng, sân bóng kích thước 64x100m, 5 đường chạy thẳng và 5 đường chạy vòng 400m, khán đài và khu vực phục vụ khán giả, bộ phận hành chính, bộ phận vận động viên.

Sau nhiều lần điều chỉnh, giá trị công trình đã lên đến trên 16,5 tỉ đồng. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục không sử dụng được, do hàng loạt những sai phạm, từ khâu đấu thầu cho đến nghiệm thu thi công…

Sân vận động tiền tỉ này được giao cho nhà thầu duy nhất là Công ty TNHH Xây dựng giao thông thủy lợi Hiệp Nhân (gọi tắt là Công ty Hiệp Nhân, có trụ sở tại thị xã Vị Thanh) xây dựng. Theo báo cáo kết luận thanh tra số 03/KL-TT của Thanh tra tỉnh Hậu Giang, thì Công ty Hiệp Nhân chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng các công trình có quy mô tương đương.

Chính vì vậy nên sân vận động mới đưa vào sử dụng chưa được bao nhiêu ngày thì đã... hỏng. Nhiều hạng mục như: khán đài và nhà làm việc xuất hiện nhiều vết nứt dài ở vị trí tường, cột, đà, vị trí tiếp giáp giữa khán đài và nhà làm việc. Rất nhiều phòng ở bộ phận vận động viên không thể khai thác được, vì nền phòng bị xuống cấp và mưa dột làm trần thạch cao bị rơi rớt, hết sức nguy hiểm.

Điều đáng nói, kết luận của Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm nhưng cuối cùng nhà thầu vẫn được thanh toán theo hồ sơ dự thầu. Sau nhiều lần các cơ quan chức năng ngồi lại tìm giải pháp khắc phục nhưng cuối cùng, cho đến nay người dân địa phương và đơn vị chủ quản sân vận động phải "gánh chịu" cái sân vận động tiền tỉ hư hỏng này.

Cũng tại huyện Vị Thủy, đơn vị quản lý là Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) phải kêu trời cho một công trình khác, đó là công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vị Thủy.

Đây là công trình được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vị Thủy làm chủ đầu tư và Xí nghiệp Xây dựng Hồng Trung thi công.

Công trình mới khánh thành và đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay. Thế nhưng, những ai đã từng đến đây mới thấy hết thực trạng xuống cấp của nó. Nền gạch dọc theo dãy hành lang khối nhà chính tầng trệt bị bong tróc, nứt bể, lún sụp khoảng 2 tấc. Nhiều hạng mục khác của trung tâm nay đã hư hỏng. 

Với một công trình mới xây dựng vừa xong mà đã xuống cấp nghiêm trọng như vậy nhưng ông Nguyễn Văn Kiểm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vị Thủy - Hậu Giang, cho rằng: "Trong quá trình khoan thăm dò địa chất thì xác định đây là nền đất yếu và khả năng công trình quá cao, lượng vật tư, cát đưa vào quá nhiều làm cho trong quá trình chuyển hóa của đất bị lún".

Chúng tôi được biết, khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì công trình xuống cấp, đơn vị thi công đã hai lần sửa chữa, khắc phục, thế nhưng mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Kiểm, đơn vị thiết kế xác định không ảnh hưởng gì đến phần móng, kết cấu của công trình, đề nghị bên thi công khắc phục làm sao cho đạt yêu cầu thiết kế đề ra. "Sau khi tỉnh xem xét công trình, mấy anh có chủ trương phát sinh một số đà giằng, còn về bổ sung lưới thép để không bị lún sụp nền thì do kinh phí hạn hẹp, không có tiền để làm" - ông Kiểm nói.

Trong khi đó, về phía đơn vị thi công, ông Đỗ Hồng Sơn -  Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Hồng Trung lại cho rằng: "Trong thời gian bảo hành, chúng tôi đã kiến nghị với chủ đầu tư là nên có biện pháp khắc phục sớm bởi không phải lỗi của đơn vị thi công.

Chúng tôi đã họp các ngành, họp với huyện nhiều lần đề nghị xử lý cái này, nghĩa là nên có gia cố sàn đổ bê tông mới lót gạch, nhưng không được đơn vị thiết kế chấp nhận".

Hầu hết các công trình mới đều bị sửa chữa, dặm vá. Liệu có đảm bảo chất lượng để phục vụ công việc và nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân hay để khi xảy ra sự cố, rồi mới qui trách nhiệm thuộc về ai?

Nam Giao
.
.
.