Hành trình đi tìm "cẩm nang" làm giàu của một Chủ tịch xã

Thứ Sáu, 04/07/2008, 14:20
Chính Mỹ là một trong 6 xã miền núi nghèo nhất huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Đất đai cằn cỗi, đi ra mắc núi, đi vào mắc đồi, càng khiến "cái nghèo" ở đây có cơ bám chặt. Không cam chịu, ông Nguyễn Xuân Bàn, Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ đã khăn gói lên đường, đi tìm "cẩm nang" làm giàu cho quê mình…

Dự định của ông là tới một làng nghề nào đó để học hỏi cung cách làm ăn ra tấm, ra miếng của họ. Nhưng làng nghề thì ở Việt Nam có tới số ngàn. Đến làng nào, học được thứ gì mới là điều cần nghĩ đến. Đang mông lung thì có tin Hội chợ làng nghề các tỉnh phía Bắc đang diễn ra ở tỉnh Vĩnh Phúc (đầu tháng 6/2006) và thế là ông khăn gói lên đường.

Một mình một xe máy, ông Bàn chủ động lên Vĩnh Phúc thăm Hội chợ. Ở đây, mọi thứ đều choáng ngợp bởi các sản phẩm từ những "bàn tay vàng" tạo ra. Trong đó, gian hàng trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ song mây đã khiến đôi chân ông Bàn như bị chôn chặt. Chủ gian hàng này là ông Tạ Xuân Hinh, quê xã Tam Đồng, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc).

Sau khi "rút ruột" kể cho ông Hinh nghe "cái nghèo" ở quê mình và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ việc sản xuất, tiêu thụ mặt hàng song mây này, ông Hinh không do dự, nhận lời giúp đỡ ngay. Điều khiến ông Hinh hy vọng ở vị Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Bàn, đó là sự nhiệt huyết và hơn thế, ông Bàn không biết giấu cái nghèo theo kiểu "cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại" như  một số cán bộ chủ chốt mà ông gặp ở nơi này, nơi nọ.

Điều làm ông phấn khởi nữa là xã Chính Mỹ, quê ông Bàn, với nghề đan tre truyền thống đã có từ lâu đời. Chỉ hiềm một nỗi, đấy là thời vật dụng bằng rổ tre, rá tre… còn bây giờ rổ rá bằng nhựa, bằng nhôm, bằng inox "lên ngôi", thành thử nghề này đã bị mai một. Tuy nhiên, với nền móng là nghề đan tre cổ truyền, nay chuyển sang đan song, mây thành những chiếc giỏ, chiếc hộp, dù có mới, thì việc bắt nhịp cũng sẽ không khó, nhất người dân Chính Mỹ lại cần cù, chịu khó.

Bằng tất cả tình cảm và sự nể trọng, ông Hinh đã về tận xã Chính Mỹ "chung lưng đấu cật", cùng ông Bàn mở lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ song mây cho lao động trong xã. Lớp học nghề cấp tốc 3 tháng, với 60 học viên, kinh phí 85 triệu đồng, cũng đã cho ra đời những tác phẩm đầu tiên. Đó là những chiếc hộp đựng trái cây bóng loáng, xinh xắn, "hút mắt" các bà nội trợ.

Đến nay, mới hơn 2 năm, sự tấp nập của làng nghề truyền thống mây tre đan Chính Mỹ tưởng đã mất vĩnh viễn lại tấp nập trở lại, với hơn 100 lao động giỏi nghề. Sản phẩm mỹ nghệ song mây gồm giỏ, hộp đựng trái cây do lao động địa phương tạo ra, đã vượt biển sang tận châu Âu và đặc biệt, làm vừa lòng các bà nội trợ khó tính nhất ở xứ sở hoa anh đào (Nhật Bản). Ngắm những sản phẩm này, khách tới thăm làng nghề Chính Mỹ không khỏi gật gù, càng thấm thía câu ngạn ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" của các cụ, mà người học được "sàng khôn" ấy, chính là ông Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ - Nguyễn Xuân Bàn.

Ông Bàn còn cho hay, hiện tại, mức thu nhập của lao động nghề này mới đạt hơn 1 triệu đồng/tháng, do phải nhập khẩu nguyên liệu. Nhưng sắp tới, địa phương cũng sẽ chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu do tự trồng song mây trên diện tích đồi rừng của địa phương. Số lao động của xã cũng dự tính tăng lên 300-500 người. Và như vậy, làng nghề cũng sẽ phải tính đến việc quy hoạch để sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc quản lý chất lượng sản phẩm cũng như môi trường làng nghề…

Đường đi nước bước được ông Bàn cùng lãnh đạo xã Chính Mỹ tính  cả rồi. Sẽ khó nói trước được điều gì, nhưng với nhiệt huyết của một cán bộ xã như ông Bàn, chắc chắn nghề thủ công mỹ nghệ song mây xuất khẩu ở đây sẽ "ăn nên làm ra". Điều này cũng đồng nghĩa "cái nghèo" ở đây sẽ vĩnh viễn bị giũ bỏ để vươn lên làm giầu

Lệ Thu
.
.
.