Hàng tỷ đồng dịch vụ tại Bến xe Miền Đông bỏ ngoài sổ sách

Thứ Bảy, 03/06/2006, 13:38

Để tận thu và trốn thuế, Giám đốc bến xe Miền Đông Nguyễn Nam Sơn đã tự cho in phiếu với nhiều mệnh giá tiền khác nhau bán cho hành khách.

Là một trong những bến xe lớn nhất nước nên bến xe Miền Đông luôn là khu vực màu mỡ cho các dịch vụ ăn theo phát sinh. Theo báo cáo của một số nhân viên bán vé tại đây, ngày bình thường bến xe Miền Đông luôn có khoảng 16.000 -17.000 lượt khách đến mua vé đi các tỉnh, thành trong cả nước. Lúc cao điểm vào các ngày lễ, Tết thì lượng khách luôn vượt ngưỡng 20.000 người. Đi cùng với lượng khách khổng lồ như vậy, cũng có hàng chục ngàn người, phương tiện đưa tiễn người thân, chuyên chở hàng hoá "tập kết" về đây.

Với chủ trương "hiện đại hóa" bến xe, Giám đốc Nam Sơn cho lập nhiều điểm chốt chặn ở khắp các khu vực bến xe. Thứ nhất là để dồn các phương tiện buộc "phải gửi" vào hai bãi giữ xe của gia đình ông Sơn. Mặt khác, bất kỳ ai khi vào trong bến xe đều phải có vé. Chỉ riêng hành khách đi xe các tuyến được bán theo hệ thống chính quy tại phòng vé, còn lại tất cả muốn vào trong bến đều phải mua "vé dịch vụ" do bến xe tự in với nhiều mệnh giá khác nhau. Ông Nam Sơn là người lọc lõi những khoản thu từ "phí dịch vụ" này.

Ngay sau khi về nhậm chức Quyền Giám đốc, rồi Giám đốc bến xe Miền Đông, ông Nam Sơn đã giao cho một đệ tử thân tín là Lê Minh Cường trực tiếp quản lý "phần thu" quan trọng mà chỉ có Giám đốc mới được biết. Từ sự chỉ đạo của Giám đốc Nam Sơn, Lê Minh Cường đã bắt đầu phác họa toàn bộ các khoản thu tại các khu vực trong bến xe. Lúc đầu, họ cũng tổ chức đấu thầu nhưng sau mỗi lần "điều chỉnh" giá thuê, ông Sơn giao cho ông Cường toàn quyền quyết định. Và họ tự định giá khoán cho các hộ kinh doanh trong khuôn viên bến.

Chỉ tính riêng quán ăn nằm ở vị trí khu đón khách xe chất lượng cao, mỗi tháng giá khoán hơn 20 triệu đồng. Những quầy dịch vụ thuê bán hàng ăn, hàng nước, giá từ 1,8 triệu đồng/tháng đến 7 triệu đồng/ tháng tuỳ theo vị trí, khu vực. Trong khuôn viên bến xe có 54 quầy dịch vụ như vậy. Ngoài ra, cứ mỗi xe đẩy của những người bán trái cây, hàng tạp hóa... hàng tháng phải đóng từ 1,5-1,7 triệu đồng. Rồi còn hơn trăm người bán hàng lưu động (sách báo, nón mũ, kính, nước...) vốn liếng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng để có được "tấm thẻ" hành nghề trong bến xe họ phải "mua" từ 120.000đ-150.000đ/tháng.

Khác với phòng điều độ, phòng vé chính quy trong bến xe, như đã nói ở phần trên thì Giám đốc Nam Sơn giao trọn quyền hành này cho phòng dịch vụ nên họ thả sức tung hoành, tha hồ bán cước hàng hoá, quản lý xe ôm hoạt động ở khu vực trong bến xe cũng như việc kinh doanh buôn bán ở đây. Để dễ bề kiểm soát nghiêm ngặt bất cứ ai đặt chân đến đây, bến xe Miền Đông bán cước hàng hoá cho khách vào bến xe với các phiếu bốc xếp hàng theo giá  từ 2.000 đến vài chục ngàn đồng.

Chẳng hạn: Xe máy, xích lô... chở hàng giá từ 2.000đ - 5.000đ/lượt, xe tải từ 10.000đ - 20.000đ/lượt tùy theo số lượng hàng hoá nhiều hay ít. Điều đáng nói là các phiếu bốc xếp hàng hoá này không hề có dấu mộc của Chi cục Thuế TP HCM. Giám đốc bến xe Miền Đông đã tự cho in phiếu với nhiều mệnh giá tiền khác nhau bán cho hành khách.

Tương tự, phiếu giữ xe của hai bãi giữ xe do em vợ Giám đốc Sơn đang thầu cũng do bến xe Miền Đông tự phát hành, trốn hàng trăm triệu đồng tiền thuế của Nhà nước. Hay tiền thu được từ 6 box điện thoại dịch vụ trong nhà ga (1,5 triệu đồng-1,7 triệu đồng/box/tháng)...

Toàn bộ số tiền nhiều tỷ đồng thu từ các dịch vụ này mỗi năm đều được lập sổ sách ghi chép. Họ thả sức thu, chi không hề màng tới hệ thống tài chính kế toán. Chỉ tính năm 2005, Giám đốc Nam Sơn và các trợ lý của mình có ghi lại được trong sổ sách hơn 3,2 tỷ đồng. Đó là họ ghi số thu cho có thành tích vậy thôi chứ thực ra trong khoản "quỹ đen" 3,2 tỷ ấy, họ đã chi phí hết gần 3,1 tỷ đồng rồi.

Nói về ông Lê Minh Cường - Phụ trách phòng dịch vụ, được biết: ông Cường có một quá khứ lầm lỗi bị các nhà xe phản ứng tố cáo khi ông đang ở phòng điều độ. Cũng vì tính cách dữ dằn "nhìn người bằng nửa con mắt" nên ông bị "đẩy" xuống làm nhân viên bảo vệ. Cứ nghĩ xuống đây là chỉ để ông Cường cải tà quy chính "làm lại cuộc đời"…

Nhưng đang lúc sóng gió nhất thì bến xe Miền Đông thay Giám đốc mới là ông Nam Sơn. Gạt bỏ quá khứ, với ông Sơn, việc ông Cường nóng nảy, nạt nộ nhà xe chỉ là "chuyện nhỏ". Ông Sơn đã quyết định chọn Lê Minh Cường làm "đầu binh" điều hành toàn bộ các đầu mối dịch vụ ở bến xe Miền Đông. Cũng để cho ông Cường "tận thu" các nguồn từ dịch vụ có hiệu quả nhất, Giám đốc Nam Sơn cũng đã "rộng rãi" cho ông Cường trúng thầu nhà vệ sinh lớn nhất bến xe Miền Đông để tự do khai thác (nguồn thu từ dịch vụ này cũng nằm trong "quỹ đen").

Một số nhân viên ở bến xe Miền Đông cho biết: Tổng số "lính" của ông Cường có tới cả trăm người. Trong bất cứ loại hình dịch vụ nào (miễn là có thu) đều có người của ông Cường nắm giữ. Họ thừa biết bản thân ông Cường chẳng phải dạng chức sắc gì nhưng rõ là ông Cường có quyền tối cao chỉ sau Giám đốc Nam Sơn. Chính vì thế mà họ đã tự in vé, tự thu chi nhiều tỷ đồng trong suốt mấy năm qua không hề theo quy định của Nhà nước.

Thả sức lộng hành, "coi trời bằng vung" lập “quỹ đen” trái phép. Điều kỳ lạ là tất cả những sai phạm nghiêm trọng như vậy mà không ai dám đụng đến vùng đất cấm này. Họ "liều" như vậy có phải nhờ tài phù phép của Giám đốc Nam Sơn?

Nhóm PV Kinh tế
.
.
.