Hàng thủy hải sản vào Nga phải vệ sinh an toàn

Thứ Bảy, 08/08/2009, 16:48
Xuất khẩu thủy hải sản trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn vì một số doanh nghiệp vi phạm ATVSTP đối với hàng xuất khẩu tại thị trường Nga năm 2008.

Trong Hội thảo Thương mại Việt - Nga vừa tổ chức tại Cần Thơ và TP HCM, Bộ Công thương cho biết: Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,641 tỷ USD (tăng 62,4% so với năm 2007). Trong 6 tháng đầu năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Liên bang Nga chỉ đạt 820 triệu USD, (giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2008). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga đạt 180,45 triệu USD (giảm 41,2%) và nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 636,96 triệu USD (giảm 1,9%).

Hiện có nhiều mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Nga đạt trên 10 triệu USD như: Thủy hải sản, hàng dệt may, giày dép, cà phê, rau quả chế biến, cao su, hạt điều, hạt tiêu, gạo, chè, mì ăn liền.

Tiến sỹ Nguyễn Chí Tâm - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công thương cũng cho rằng, xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang Nga trong 3 năm gần đây đã tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, nếu chất lượng, vệ sinh - dịch tễ sản phẩm được bảo đảm tốt hơn và việc xuất khẩu được điều tiết tốt hơn thì phile cá basa Việt Nam (chiếm 86% tổng kim ngạch nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Nga) sẽ trở thành một thương hiệu tốt ở Nga và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng ổn định.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn bởi vì Nga là thị trường mở, thông thoáng nên có nhiều rủi ro. Do vậy, khi vào thị trường này, mọi đối tác buộc phải đối đầu với cạnh tranh gay gắt cả về phương diện hàng hóa cũng như đầu tư. Trong khi đó, thị trường này lại thiếu sự linh hoạt trong cơ chế thanh toán.

Nga cũng thường xuyên áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước (như đưa ra các lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối nông sản, thủy, hải sản và thịt đông lạnh).

Ngoài ra, những bất cập và trở ngại trong khâu thủ tục hành chính, giấy tờ, trong đó có cả thủ tục hải quan, cửa khẩu nhiều lúc gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam quan hệ với thị trường Nga.

Ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: "Hiện nay chỉ có 30 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra và thủy sản vào Nga. Vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp đề nghị Nga tạo điều kiện để nâng cao số lượng xuất khẩu sang thị trường này. Phía Nga có thể tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá để nâng số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu vào Nga".

Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng khắc phục những sai phạm để sản phẩm của mình đáp ứng tối đa yêu cầu của nhà nhập khẩu về các tiêu chí ATVSTP. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ về chất lượng, rào cản kỹ thuật... tại thị trường Nga.

Vì vậy, việc cập nhật, phổ biến và hỗ trợ những thông tin tại thị trường xuất khẩu từ các Bộ, ngành, hiệp hội cho doanh nghiệp hiện đang rất cần thiết. Điều này vừa giúp doanh nghiệp tránh được những sai phạm tại thị trường xuất khẩu, cũng như giữ mối quan hệ tốt đẹp trong quan hệ hợp tác, thương mại

T.Hà - N. Trần
.
.
.