Doanh nghiệp “ma” và những chiêu trò lách luật trốn thuế:

Hàng loạt chiêu trò chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước

Chủ Nhật, 14/07/2013, 22:00
Ngoài việc hợp thức hóa các loại hàng hóa, dịch vụ, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, mua trôi nổi trên thị trường... thông qua các hóa đơn khống được mua từ các công ty “ma” để trốn thuế thì hiện nay, có rất nhiều thủ đoạn mà các đối tượng áp dụng để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước...
>> "Đẻ" doanh nghiệp nhưng quản không xiết

“Rút” tiền Nhà nước từ các giao dịch khống

Trước tình hình hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn biến ngày càng phức tạp, Nhà nước đã có những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung chính sách thuế và ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn khống từ các DN “ma” và các gian lận trong giao dịch kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các đối tượng đã có nhiều cách để qua mặt các lực lượng kiểm tra.

Theo phân tích của một cán bộ cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC 46), những thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm thuế trong thời gian qua đó là việc các đối tượng nắm rõ Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về “điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT” là các hóa đơn có giá trị thanh toán từ 20 triệu trở lên. Vì vậy, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhiều DN “ma” gian lận bằng cách khi bán hóa đơn ghi khống trị giá hàng hóa dưới 20 triệu đồng (đã có VAT), viết thành nhiều hóa đơn, với mục đích là không phải thanh toán qua ngân hàng.

Còn những hợp đồng “ma” có giá trị lớn, các đối tượng giao dịch khống qua ngân hàng bằng cách: Người bán hóa đơn khống từ DN “ma” yêu cầu DN mua hóa đơn phải mở tài khoản tại cùng một ngân hàng với DN “ma” bán hóa đơn. Mục đích của việc này là để mọi giao dịch thanh toán chỉ diễn ra trong một ngày (có thanh toán qua ngân hàng nhưng thực tế không phát sinh hoạt động kinh tế). Sau đó, DN “ma” cho người nộp tiền vào tài khoản của DN mua hóa đơn và đề nghị chủ tài khoản của DN mua hóa đơn ký khống ủy nhiệm chi, để sau khi nộp tiền vào tài khoản chúng viết ủy nhiệm chi thanh toán từ DN mua hàng khống sang DN “ma”. Sau đó, lập sec rút tiền mặt ra khỏi tài khoản của các DN “ma”. Kết thúc quá trình thanh toán chỉ diễn ra trong 1 giờ.

Với thủ đoạn này, đã có rất nhiều DN chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước rất lớn như: Công ty TNHH Kim Thư (phường 1, quận 5) do Ngô Văn Thanh làm Giám đốc, mua 57 tờ hoá đơn ghi khống trị giá hàng hoá hơn 102 tỷ đồng để hợp thức hoá đầu vào cho số lượng lớn cát san lấp mua trôi nổi trên thị trường của công ty, trốn thuế gần 9,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhựt Huy, mua 15 tờ hoá đơn GTGT ghi khống số tiền hơn 6,5 tỷ đồng để làm chứng từ đầu vào cho các dịch vụ sửa chữa, thuê xe vận chuyển… của công ty, trốn thuế hơn 620 triệu đồng; Công ty CPĐTXD Thanh Bi và DNTN Thanh Bi (phường Trường Thạnh, quận 9) do Phan Văn Bi làm Giám đốc, mua 19 tờ hoá đơn ghi khống trị giá hơn 72,4 tỷ đồng để hợp thức hoá đầu vào cho số hàng hoá, dịch vụ mua trôi nổi, trốn thuế hơn 6,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Ngọc Tuyết (phường An Phú, quận 2) trốn thuế gần 290 triệu đồng; Huỳnh Văn Hoàng (ngụ quận Tân Phú) chủ DNTN giấy Đức Phát trốn thuế hơn 6,6 tỷ đồng; Lê Văn Hải, Nguyễn Bá Hiền - chủ DNTN Vĩnh An trốn thuế hơn 4 tỷ đồng; Lý Chí Tài - chủ DNTN giấy Tự Lực trốn thuế hơn 9,6 tỷ đồng; Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ trốn thuế hơn 5 tỷ đồng...

Mạng lưới mua bán hóa đơn khống của chúng cũng được tổ chức khá tinh vi. Chúng thường phân công thành từng nhóm gồm: Một nhóm chuyên tìm đối tác cần hóa đơn để bán; một nhóm chuyên viết hóa đơn soạn thảo hợp đồng; một nhóm chuyên làm báo cáo thuế; một nhóm chuyên làm dịch vụ thanh toán khống qua Ngân hàng... Các nhóm này thường không liên lạc với nhau mà thông qua người cầm đầu (không sử dụng tên thật, CMND dán hình người khác) trong quá trình giao dịch. Có rất nhiều trường hợp cơ quan CSĐT khai thác các nhóm nhưng không phát hiện được người cầm đầu. Chỉ khi nào thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ thì mới có thể phát hiện ra.

Với tình trạng trên, Tổng cục Thuế cũng đã có Công văn số 705/TCT-TTr gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố để cảnh báo về việc giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu phạm tội.

Hai giám đốc DN “ma”: Đoàn Ngọc Long và Phan Văn Bi.

Và đủ chiêu gian lận

Theo đánh giá của cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thì tội phạm trong lĩnh vực thuế hiện nay không chỉ có các phần tử xấu lợi dụng sự thông thoáng của Nhà nước để thành lập DN “ma” hoạt động bất chính, chiếm đoạt tiền của Nhà nước mà nhiều đối tượng còn nghiên cứu để hiểu biết pháp luật, “rút” tiền của Nhà nước tránh bị phát hiện. Đó là lợi dụng các Luật thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về việc ân hạn nộp thuế đối với hàng nhập khẩu, gia hạn thời gian nộp thuế GTGT... các DN đã nhập khẩu hàng hóa với thuế suất cao về tiêu thụ tại Việt Nam. Sau khi tiêu thụ xong hàng thì nhanh chóng bỏ trốn. Mục đích là trốn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT hàng nhập khẩu. Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thủ đoạn thường dùng là nâng cao các chi phí như: giá mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu từ nước ngoài, phí quảng cáo, trả lương cho chuyên gia cao...

Ngoài ra, các DN FDI còn sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của những DN đã bỏ trốn nhằm khấu trừ thuế, xuất bán hàng ra cho công ty mẹ ở nước ngoài với giá thấp nhằm tránh nộp thuế tại Việt Nam. Cụ thể như Công ty Orange Fashion đã sử dụng các cá nhân là người nước ngoài để thành lập DN. Hiện, Phòng PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra Công ty Orange Fashion do Cục Thuế chuyển hồ sơ sang.

Nghị định 51/2010 NĐ-CP ngày 14/5/2010 của CP hướng tới mục đích nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN được tự in và sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, trốn thuế. Nói về một số nguyên nhân dẫn đến gian lận, trốn thuế về hóa đơn liên quan đến Nghị định này, ông Nguyễn Sơn – Trưởng phòng Thanh tra thuế số 1 Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi DN sử dụng hóa đơn tự in để bán hàng có thể bán hàng cho pháp nhân và cá nhân. Nếu bán cho cá nhân thì không phải kê khai thuế đầu vào nên có thể hóa đơn phát hành cùng một số vừa bán cho cá nhân vừa bán cho pháp nhân. Tuy nhiên, chỉ có hoá cho pháp nhân thì kê khai, còn cá nhân thì không kê khai để… trốn thuế.

Đối với các hộ kinh doanh thuộc diện khoán thuế hoặc ấn định thuế trên doanh thu bán hàng đều có thể sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế phát hành, có thể sử dụng quyển hóa đơn hoặc mua hoá đơn lẻ. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có quyền yêu cầu đơn vị xuất trình hóa đơn đầu vào khi mua vật tư, hàng hóa của các hộ kinh doanh này. Điều này có thể dẫn đến các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Về hóa đơn trong máy tính tiền thì hiện nay các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, các dịch vụ... sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa có thói quen lấy hóa đơn và người bán cũng không bao giờ xuất hóa đơn nếu khách hàng không yêu cầu. Vì vậy, việc gian lận trốn thuế ở đây chưa được quan tâm, xử lý tốt. Trong khi đó, ở nước ngoài, các máy tính tiền này phải được đăng ký với cơ quan thuế và có niêm phong...

Điều cũng đáng lo ngại là trước đây các DN “ma” rất ngại đến cơ quan thuế để mua hóa đơn vì sợ bị cán bộ thuế phát hiện. Nhưng hiện nay, DN “ma” không cần đến cơ quan thuế đăng ký sử dụng hóa đơn mà chỉ cần đảm bảo thủ tục và đến nhà in là có hóa đơn hợp pháp

Thúy Hà
.
.
.