Hàng lậu "chạy" trong nội địa gắn mác hàng xách tay

Chủ Nhật, 24/01/2010, 11:15
Quần áo "xịn" từ Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), Thái Lan; mỹ phẩm, điện thoại, máy tính xách tay từ các nước châu Âu về, đến sữa bột dành cho trẻ em được gắn mác là hàng xách tay đang trở thành trào lưu săn hàng độc của nhiều người tiêu dùng. Với mác "hàng xách tay" giá trị hàng hoá đã bị thổi phồng lên quá mức.

Ngoài ra còn "thượng vàng hạ cám" từ tạp phẩm, quần áo, đồ điện tử… đang được các đầu nậu ráo riết đưa về thị trường nội địa tiêu thụ. Bằng nhiều con đường, hàng lậu được hợp thức hoá bằng tem giả, tem quay vòng, hoá đơn chứng từ giả.

Sử dụng mác "xách tay" để trà trộn hàng rởm

Săn hàng xách tay đang trở thành mốt của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ săn hàng hiệu. Hàng xách tay được biết đến cách đây nhiều năm, khi một số người đi công tác nước ngoài xách về và bán lại. Giờ đây hàng xách tay được biết đến nhiều hơn với nhiều địa điểm rao bán, không trưng bày trang hoàng như đồ hiệu mà hàng đa phần là bán tại nhà, trong ngõ ngách, càng ít hàng thì lại càng "độc".

Mỹ phẩm xách tay bị lực lượng liên ngành Hà Nội tịch thu để đi giám định chất lượng.

Để có được thỏi son môi "xịn" mang từ nước ngoài về, chị Thuý Anh ở quận Ba Đình, Hà Nội đã được cô bạn đồng nghiệp mách đi mua hàng xách tay. Địa điểm bán hàng xách tay ở trong một con ngõ ngoằn ngoèo, không bày biện công khai như kiểu bán hàng qua mạng. Đến đây khách được xem một vài mặt hàng để lựa chọn. Đa phần hàng xách tay đều là mỹ phẩm, túi xách, giày dép, quần áo, laptop...

Vì là hàng xách tay nên giá của nó cũng thật trên trời. Người mua vẫn chấp nhận nghiến răng để được sử dụng sản phẩm mang nhãn hàng hoá từ nước ngoài. Kinh doanh hàng xách tay ngay tại nhà riêng đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng thực chất đó có đúng là hàng xịn hay không, có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn hay không thì chẳng ai biết.

Bên cạnh việc kinh doanh hàng xách tay lén lút thì một số nơi còn công khai bày bán hàng xách tay là thực phẩm, mỹ phẩm giữa thanh thiên bạch nhật. Cũng từ các bà mẹ truyền tai nhau, chúng tôi đến một cửa hàng bán sữa khá lớn ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm để tìm mua sữa S26, xách tay từ Australia về. Sữa là thực phẩm dinh dưỡng, muốn lưu hành và sử dụng ở Việt Nam thì phải được phép nhập khẩu và phải được Bộ Y tế kiểm định chất lượng.

Tuy nhiên, không hiểu bằng con đường nào, sữa S26 vẫn được bày bán công khai và người tiêu dùng vẫn sử dụng nó hằng ngày cho trẻ nhỏ. Cầm hộp sữa trên tay, các bà mẹ đều băn khoăn vì sữa xách tay không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, các thành phần dinh dưỡng như thế nào, có phù hợp với trẻ nhỏ Việt Nam hay không thì các bà mẹ đều mù tịt. Thậm chí, còn có luồng thông tin, sữa xách tay này đã bị pha chế (!).

Theo ông Nguyễn Công San, Đội trưởng QLTT cơ động số 1, Chi cục QLTT Hà Nội, phần lớn các loại hàng hoá có giá trị cao như quần áo từ Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), Thái Lan hoặc mỹ phẩm, điện thoại, máy tính xách tay từ các nước châu Âu về đều được vận chuyển xách tay, khai báo với Hải quan là hàng phi mậu dịch.

Ngoài ra, một số mặt hàng như quần áo, đồ điện tử được các đối tượng chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ được vận chuyển bằng đường hàng không thông qua các công ty giao nhận hàng hoá. Tuy nhiên, không phải hàng xách tay đã là đồ xịn vì người bán có thể trà trộn hàng rởm, hàng kém chất lượng, hàng nhái vào rao bán.

Ngay như một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ngoại, đồng thời dạy trang điểm nổi tiếng ở phố Huế, Hà Nội còn bày bán rất nhiều mỹ phẩm xách tay từ Hàn Quốc về nhưng lại không có số đăng lý lưu hành tại Việt Nam. Cơ sở này đã bị Tổ kiểm tra liên ngành của thành phố gồm QLTT, Thanh tra Sở Y tế… thu giữ trên 4.000 mỹ phẩm nhãn hiệu Hàn Quốc không có hoá đơn chứng từ của tờ khai nhập khẩu.

Điều đáng lưu ý với người tiêu dùng là, với cái mác "hàng xách tay" mà cửa hàng này đã bán số mỹ phẩm trên ra thị trường với cái giá quá đắt. Trong khi ấy, toàn bộ hàng hoá đều không được kiểm định chất lượng, thậm chí các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không biết số mỹ phẩm đó bên Hàn Quốc có đạt chất lượng và còn được lưu hành hay không?

Hàng lậu trốn ở đâu?

Có rất nhiều cách để hàng lậu tồn tại và tung ra thị trường, thậm chí một số loại hàng lậu còn được hợp thức hoá bằng tem giả, bằng hoá đơn chứng từ của các đối tượng kinh doanh, đặc biệt là các đầu mối thương mại lớn. 8 xe ôtô chở trên 30 tấn hàng lậu vừa được lực lượng QLTT và Công an Hà Nội bắt giữ đã cho thấy, đây là thời điểm nóng bỏng để hàng lậu, hàng kém chất lượng núp bóng dưới nhiều thủ đoạn tung ra thị trường nội địa.

Tuy nhiên, cả 8 xe hàng trên đều là hàng vô chủ (?!). Các lái xe chỉ thừa nhận họ chở thuê, không biết chủ hàng là ai. 4 xe ôtô hàng lậu bị Đội QLTT số 1 phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ gồm 30M - 2695, 29M - 9841, 30T - 7680, 30K - 3559 chở hàng trăm bao hàng lậu gồm quần áo, giày dép, đồ lót, móc chìa khoá, đài radio… nhưng chỉ xử phạt được 10 triệu đồng/1 lái xe vì vận chuyển hàng không có hoá đơn, chứng từ nhập khẩu. Còn đầu nậu vẫn nằm ngoài vòng pháp luật.

Hay 4 ôtô chở 30 tấn hàng lậu vừa bị Phòng An ninh kinh tế, Cục Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Đội QLTT số 2 bắt giữ cũng vậy, chủ hàng vẫn là ẩn số của chuyên án. Nhiều người ví như việc đánh rắn, nhưng đánh "không dập đầu", chỉ tóm được đằng đuôi nên "rắn vẫn bò mất". Mặc dù các lực lượng chống buôn lậu của Hà Nội đã rất tích cực trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng hàng hoá không hoá đơn, chứng từ, đặc biệt gắn mác "hàng xách tay" vẫn tồn tại trên thị trường. Vậy hàng lậu trốn ở đâu?

Theo ông Nguyễn Công San, do chính sách thuế nhập khẩu một số mặt hàng đã giảm theo lộ trình WTO; việc kiểm tra, kiểm soát hàng lậu của các tỉnh, Bộ, ngành ở các tuyến biên giới, nên hàng lậu vào thị trường Hà Nội có giảm hơn so với mọi năm.

Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu vẫn diễn biến rất phức tạp. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, cất giữ bằng nhiều thủ đoạn như thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc để làm nơi tập kết. Đối với hàng là tạp phẩm, quần áo, đồ điện tử, các đối tượng buôn chuyến thường sử dụng phương tiện tàu hoả để vận chuyển. Họ mua gom tại chợ biên giới, sau đó đóng thuế trên khâu lưu thông mang về Hà Nội và chuyển xuống các ga trên đường như Bắc Ninh, Yên Viên, Long Biên.

Với các hàng tạp phẩm khác, các đối tượng vận chuyển chủ yếu vẫn là bằng ôtô từ biên giới về, sau đó tập kết ở Bắc Ninh, rồi sử dụng phương tiện vận tải nhỏ chuyển vào Hà Nội.

Để tập trung đánh mạnh vào hàng lậu, các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều kế hoạch, trong đó là việc kiểm tra các kho tàng, bến bãi, nhà ga, bến tàu, đặc biệt là việc hàng lậu núp bóng dưới nhiều hình thức như hàng xách tay, hàng miễn thuế…

Theo lời khuyên của các chuyên gia, không phải hàng xách tay nào cũng tốt, hàng xách tay nào cũng đảm bảo an toàn, nhiều khi hàng xách tay lại là hàng trốn thuế, chưa được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định chất lượng nên việc người tiêu dùng tuỳ tiện sử dụng sẽ gây ra hậu họa khôn lường

Nhật Ánh
.
.
.