Hàng hóa Tết dồi dào, không có biến động lớn

Thứ Sáu, 27/01/2012, 11:08
Kinh tế khó khăn đã khiến sức tiêu dùng của người dân giảm đi khá rõ rệt trong Tết Nguyên đán năm nay. Tuy nhiên, về cơ bản người dân đã được đón một cái Tết đầm ấm, không có sự cố với hàng hóa phong phú, đầy đủ. Giá cả đã tăng từ 10 - 50% tùy vào mặt hàng, không có hiện tượng khan hiếm. Đây là nhận định của Bộ Công Thương dựa trên báo cáo tình hình của các địa phương sau Tết.

Giá hàng hóa tăng 10 - 50% trong dịp Tết

Đánh giá chung, không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1/2012 vẫn đạt hơn 191 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước đó. Về giá cả, so với Tết năm trước, nhiều loại hàng hóa đã cao hơn từ 10-20%. Riêng đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi, giá trong những ngày giáp Tết tăng khoảng 20-50% so với ngày thường.

Tại Hà Nội, giá thịt tại các chợ đầu mối phổ biến ở 110.000đ/kg, thịt bò 170.000đ/kg. Tại chợ đầu mối phía Nam, giá thịt bò tăng thêm 10.000đ/kg lên mức 180.000đ/kg. Tại các chợ dân sinh, giá tăng cao hơn đầu mối khoảng 50 nghìn đồng, ở mức 200.000 đến 230.000đ/kg. Từ 27 đến 29 Tết: nhu cầu đối với các loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, hải sản, rau xanh, trái cây tăng mạnh, giá các mặt hàng thịt tăng khoảng 5.000 - 10.000 đ/kg so với những ngày trước đó; giá rau xanh tăng 20-50%; trái cây tăng 10-20%, nguồn cung hàng hóa vẫn rất đa dạng và lượng hàng dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu.

Khó khăn kinh tế đã khiến sức mua trong dịp Tết năm nay giảm.

Thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, người nông dân tích cực tái đàn do được giá bán… là những nhân tố quan trọng giúp cho nguồn cung thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng không bị thiếu hụt. Tuy vậy, giá vẫn tăng mạnh so với Tết Nguyên đán 2011 khoảng từ 15 - 45%. Thịt bò, gia cầm, thủy hải sản cũng tăng giá 10 - 20% so với trước Tết. Một mặt hàng "nóng" khác là rau, củ, trái cây nhìn chung đã tăng giá từ 10 - 20%. Nguyên nhân do thời tiết rét đậm kéo dài tại miền Bắc 2 tuần trước Tết và tâm lý mua hàng tích trữ. Trong khi đó, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá các loại rau củ trái cây tại các tỉnh miền Nam lại có xu hướng ổn định so với ngày trước Tết.

Nhận định thị trường sau Tết, Bộ Công Thương cho biết giá lương thực ổn định trong xu hướng giảm, vì lượng tồn kho còn lớn. Trong khi đó theo qui luật, giá thực phẩm sẽ giữ mức cao trong khoảng nửa tháng trước khi trở lại bình thường. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, lạnh kéo dài như hiện nay, nguồn cung về rau có khả năng bị ảnh hưởng.

Phát hiện 6 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm

Đang là một trong những vấn đề nóng hổi nhất hiện nay sau khi hiện tượng một số xe bồn lén lút rút ruột, pha chế xăng dầu bị khui ra tại khu vực phía Nam, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng trong dịp Tết được đặc biệt chú ý. Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian này, lực lượng QLTT đã phối hợp với lực lượng Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas. Qua đó, đã phát hiện tại Ninh Thuận 6 cơ sở vi phạm.

Cụ thể, có 2 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, 1 cơ sở vi phạm quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, 2 cơ sở vi phạm về đo lường và 1 cơ sở vi phạm về chất lượng. Trong số này, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở, thu phạt 59 triệu đồng và thu hồi tiền thu nhập bất hợp pháp gần 8,7 triệu đồng. Tại Hà Nội, tới thời điểm này, kết quả lấy mẫu giám định xăng dầu cho thấy hầu hết doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu đều có giấy tờ kinh doanh xăng dầu đầy đủ và các mẫu xăng giám định đều đạt Quy chuẩn Việt Nam.

Được biết, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đã được thực hiện khá nghiêm túc trong dịp Tết. Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đã giảm. Các loại pháo không còn bày bán và sử dụng công khai. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng.

Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường Tết trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh vào ngày 28 và 29 Tết. Các quận, huyện đều tổ chức trực Tết và tình hình trong tầm kiểm soát. Các khách sạn, nhà hàng... cũng được kiểm tra sát sao, không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, qua kiểm tra các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, lấy mẫu giám định về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các mẫu rau, hoa quả... đã phát hiện nhiều loại thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc lưu thông trên thị trường không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc

Vũ Hân
.
.
.