Hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc tăng mạnh
Ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: Kiểm tra năm 2013, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện 228 vụ vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tịch thu 226.484 đơn vị sản phẩm. Nếu so với năm 2012 thì số vụ kiểm tra trong năm 2013 chưa bằng một nửa của năm 2012, nhưng số lượng hàng hóa vi phạm tăng gần gấp đôi năm 2012. Điều đó cho thấy, quy mô sản xuất hàng giả ngày càng lớn và vụ việc mang tính chất ngày càng phức tạp. Trong lĩnh vực vi phạm SHTT, có khoảng 2/3 trường hợp là do chủ quyền khiếu nại và yêu cầu xử lý, 1/3 còn lại do QLTT phát hiện. Thực tế cho thấy, các DN bị xâm phạm quyền vẫn chưa chủ động liên hệ với cơ quan thực thi, lý do là các thủ tục nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định còn rườm rà, phức tạp và việc chế tài, xử lý vi phạm chưa mạnh, không đủ để răn đe.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại - Cục SHTT cho rằng, hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở nước ngoài nhập vào Việt Nam để tiêu thụ có khối lượng khá lớn (có công ty có tới 90% hàng giả là hàng nhập khẩu). Việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra với mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Điển hình như việc làm tân dược giả của Công ty Việt Pháp, đối tượng làm giả bằng cách bóc vỏ thuốc nội để “lên đời” thành thuốc ngoại, đưa vào bán ở bệnh viện. Vì vậy, không chỉ xử lý hành chính mà cần tăng cường thực thi xây dựng tòa án chuyên trách về SHTT.
Hàng nhập lậu xuất xứ Trung Quốc bị QLTT TP Hồ Chí Minh bắt giữ. |
Nhận định về tình trạng hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc vào thị trường nội địa để tiêu thụ, ông Mai Hòa Việt - Trưởng Ban An ninh và Bảo hộ SHTT Công ty Unilever Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả các công ty nước ngoài (VACIP) cho rằng, đối với hàng giả sản xuất trong nước, những người làm giả phần lớn sử dụng nguyên liệu, bao bì của Trung Quốc đưa sang (hoặc tái sử dụng bao bì cũ), đóng gói tại thị trường nội địa. Đối với hàng giả sản xuất ở nước ngoài thì 100% thành phẩm sản xuất tại nước ngoài, xé nhỏ đưa vào Việt Nam; hàng nhái sản xuất tại nước ngoài thì các đối tượng sao chép 1 số hình ảnh trên bao bì của các DN trong nước.
Thủ đoạn làm hàng giả của các đối tượng cũng khá đơn giản, như sản phẩm OMO của Công ty Unilever, dây chuyền sản xuất được công ty đầu tư 1 triệu USD, tương đương 20 tỷ đồng, trong khi đó đối tượng làm giả chỉ bỏ ra số tiền rất nhỏ để mua máy móc, sử dụng bao bì Trung Quốc và bột giặt nội địa đóng gói thành sản phẩm OMO giả tiêu thụ ra thị trường.
Theo số liệu Cục QLTT, số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý qua từng năm đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2010, xử lý 10.472 vụ, giá trị hàng vi phạm 3,8 tỷ đồng; năm 2011 xử lý 11.910 vụ, giá trị hàng vi phạm 18,4 tỷ đồng; năm 2012 xử lý 13.101 vụ, giá trị hàng vi phạm 27,4 tỷ đồng và năm 2013 xử lý 14.008 vụ, trị giá hàng vi phạm 32,1 tỷ đồng.
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho rằng, thời gian qua, sự phối hợp giữa DN và cơ quan thực thi chưa được chặt chẽ, nhiều DN có sản phẩm bị xâm phạm nhưng chưa quan tâm, tránh né vì sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến NTD không muốn mua sản phẩm của mình