Hàng dỏm xuất xứ Trung Quốc tràn lan thị trường
Thực tế trên cho thấy, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc nhập vào thị trường nội địa không chỉ bằng đường tiểu ngạch, xách tay, mà các đối tượng còn liều lĩnh, ngang nhiên nhập khẩu bằng đường chính ngạch. Chính vì sự buông lỏng trong việc kiểm soát tại các cửa khẩu nên hàng dỏm có cơ hội tung hoành trên thị trường.
Gần đây nhất là vụ 10 container (40 feet) hàng bách hóa (xuất xứ Trung Quốc) nhập khẩu gian lận thương mại bị Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV, Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) phối hợp với Đội Quản lý thị trường 2A phát hiện, bắt giữ vào rạng sáng 31/12/2013 khi vừa đánh tháo hàng ra khỏi cảng VICT (quận 7). Phải mất 5 ngày ròng rã, lực lượng PC46 và Quản lý thị trường (QLTT) mới kiểm đếm xong 10 container hàng. Trong đó, có rất nhiều mặt hàng “hút” trong mùa Tết, như: hàng trang trí Tết, pháo điện, giấy tiền vàng mã, vải rèm, mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, hàng điện tử, rượu, máy đánh bạc (kèm với hơn 2 tấn tiền xu dùng để chơi loại máy này)…
Các sản phẩm đồ chơi trẻ em nghi nhiễm chất độc bị thu giữ và lấy mẫu kiểm nghiệm. |
Ngoài ra, còn có nhiều mặt hàng Trung Quốc giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, như: giày hiệu Nike (ghi made in Viet Nam); thuốc nhuộm tóc “16 power” (ghi sản xuất và phân phối tại An Phước, Long Thành, Đồng Nai); máy sấy tóc Fujika – 3001 (ghi made in Japan); bao bì dầu gió xanh Eagle (ghi xuất xứ Singapore)… tất cả hàng hóa kiểm tra thực tế có đến 90% sai về số lượng và 70-80% sai về chủng loại so với tờ khai hải quan. Ước tính, hàng hóa trong 10 container trên có trị giá hàng chục tỷ đồng. Toàn bộ lô hàng trên là của 2 công ty nhập khẩu từ Trung Quốc về, gồm: Công ty TNHH TM XNK Nhất Minh (phường 8, quận 6) do Trần Thị Thu Sang (25 tuổi, ngụ phường 8, quận 6) làm Giám đốc và Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (phường 8, quận 11) do Hồ Sấm Dũng (27 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) làm Giám đốc. Tuy nhiên, sau khi lô hàng bị cơ quan chức năng bắt giữ thì 2 giám đốc của 2 công ty cũng đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT xác định, với tài liệu và chứng cứ thu thập được cho thấy có dấu hiệu buôn lậu, trong đó có hàng cấm nhập khẩu.
Liên quan đến vụ án này, ngày 14/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vụ buôn lậu này. Từ đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/2.
Trước đó, cũng nhập khẩu bằng đường chính ngạch vào thị trường nội địa, lô hàng hiệu nổi tiếng thế giới nhãn hiệu Gucci và Dolce & Gabana (xuất xứ Italy) “đội lốt” hàng Trung Quốc cập cảng ICD Phước Long (quận 9) cũng đã qua mặt được Hải quan. Chỉ đến khi 4 xe tải chở hàng ra khỏi cảng để đưa về điểm tập kết thì mới bị trinh sát Phòng PC46 phát hiện, bắt giữ. Kiểm tra thực tế, lô hàng trên gồm 1.253 món quần áo, giày, túi xách, thắt lưng… hiệu Gucci và Dolce & Gabana (xuất xứ Italy) nhưng trong tờ khai chỉ thể hiện 1.052 món, gồm: quần áo, giày, túi xách không nhãn hiệu, xuất xứ China (Trung Quốc).
Sau khi lô hàng bị phát hiện, Trần Anh Tuấn (Việt kiều Mỹ, chủ lô hàng này) đã “cao chạy xa bay”, cơ quan CSĐT, PC46 đã phát lệnh truy nã toàn quốc, đồng thời đề nghị Interpol Việt Nam truy nã quốc tế đối với Trần Anh Tuấn về tội “Buôn lậu”.
Trước phản ứng của dư luận về việc bóng bơm hơi Trung Quốc (đồ chơi trẻ em) có nhiễm chất độc, ngày 3/1, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam phối hợp với Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh ra quân kiểm tra việc kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn thành phố, phát hiện cửa hàng Tuấn Kiệt - Mỹ Linh (phường 13, quận 5), kinh doanh nhiều loại bóng bơm hơi Trung Quốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đoàn lấy ngẫu nhiên 3 mẫu (bóng bơm hơi gai, bóng nhựa hình trái dưa hấu, con vịt bằng nhựa), đều là hàng không rõ đơn vị sản xuất, nhập khẩu, để đưa đi kiểm nghiệm. Kiểm tra cửa hàng Đức Anh (phường 2, quận 6), đoàn liên ngành cũng phát hiện tại đây kinh doanh nhiều đồ chơi bóng bơm hơi, bóng nhựa. Đoàn kiểm tra cũng lấy 2 mẫu để đưa đi kiểm nghiệm độc tố. Kết quả cho thấy, cả 5 mẫu đưa kiểm nghiệm (100%) đều dính độc tố (chất phthalate) vượt 300-400 lần mức cho phép.
Mới đây nhất là vụ đồ chơi phát nổ (bóng nổ) có xuất xứ Trung Quốc khiến hàng loạt trẻ em phải nhập viện cấp cứu khi nghịch đồ chơi này, ngày 18/1, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục kiểm tra và tịch thu 100 sản phẩm bóng nổ có xuất xứ Trung Quốc, là hàng nhập lậu, không kiểm định chất lượng. Lực lượng kiểm tra cũng đã lấy mẫu để kiểm định chất độc hại đối với loại sản phẩm trên để cảnh báo cho người tiêu dùng...