Hàng Thái tràn ngập, hàng Việt đang gặp khó

Chủ Nhật, 19/10/2014, 10:18
Hiện nay, mặc dù “làn sóng” các nhà đầu tư ngoại đang ào ạt “đổ” vào thị trường nội địa, nhưng chưa bao giờ Việt Nam lại chứng kiến cuộc “đổ bộ” mạnh mẽ, nhanh chóng, với những “bước đi” rất bài bản của các nhà đầu tư đến từ Thái Lan.

Đại diện một nhà đầu tư Thái Lan khẳng định: “Thật đáng kinh ngạc, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có các tính chất thị trường rất giống Thái Lan, nhất là hành vi mua sắm của người Việt Nam ngày càng giống Thái Lan”. Không chỉ lời khẳng định như thế của nhà đầu tư ngoại, mà kể cả doanh nghiệp (DN) Việt Nam và cả phần đông người tiêu dùng (NTD) cũng đều nhận thấy xu hướng đó. Điều này khiến DN Việt Nam thật sự đối mặt với khó khăn trước đối thủ Thái Lan ngay tại “sân nhà”…

Theo ghi nhận của chúng tôi tại Trung tâm mua sắm Thái Lan (đường Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận), hàng hóa bán tại Trung tâm hầu hết có xuất xứ Thái Lan, từ những món nhỏ nhất như các dụng cụ dùng cho nhà bếp đến các loại hóa phẩm, mỹ phẩm. Nếu so với hàng sản xuất trong nước thì các loại hàng hóa xuất xứ Thái Lan rất đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá cả chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với hàng Việt.

Đặc biệt, với mặt hàng giày dép có đến hàng chục mẫu mã khác nhau được bán “đồng giá” chỉ từ 80.000đ - 100.000đ/đôi, khác với đa số hàng Việt hàng “đồng giá” thường là những loại hàng tồn, mẫu cũ hoặc là hàng bị lỗi. Chính vì vậy, hàng Thái “đồng giá” được NTD lựa chọn mua nhiều. Chỉ trên đường Nguyễn Kiệm thôi đã có đến 2 Trung tâm mua sắm Thái Lan “mọc” lên và thu hút khá đông NTD đến mua sắm.

Tại các chợ, nếu như trước đây hàng Trung Quốc chiếm đa số thì nay hàng Thái cũng đã “soán ngôi”, nhiều nhất là các mặt hàng: quần áo, giày dép, khăn mặt, mỹ phẩm, trái cây… Lực lượng QLTT đã từng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ hàng Trung Quốc “đội lốt” để trở thành hàng Thái Lan và thậm chí cơ quan QLTT cũng đã phát hiện trái me, trái bòn bon xuất xứ Việt Nam cũng “đội lốt” xuất xứ Thái Lan để lừa dối NTD.

Nhận thấy đây là thị trường giàu tiềm năng, vì thế trong thời gian gần đây, hàng trăm DN vừa và nhỏ Thái Lan đã tăng cường tìm hiểu, thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm của mình đến NTD Việt.

Hầu hết các lĩnh vực mà DN Thái “chào hàng” tại thị trường Việt Nam chủ yếu: Thực phẩm khô, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang… với phân khúc trung bình, giá rẻ. Ngoài ra, cũng để chuẩn bị cho “bước đi” của mình tiến sâu vào thị trường Việt Nam, các DN Thái Lan còn liên tục tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, hướng đến mục đích là để khảo sát thị hiếu của NTD Việt đối với hàng Thái.

Không phải đến bây giờ, DN Thái Lan mới ồ ạt lấn sân vào thị trường nội địa mà trước đó, DN Thái Lan cũng đã có những bước đi thận trọng, bài bản để khai thác thị trường nội địa. Chỉ đến khi thương vụ mua lại Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan mới đây trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả xã hội thì lúc này các DN mới “giật mình” vì thấy rằng đây không còn là một thương vụ mua bán đơn thuần.

Người tiêu dùng mua hàng Thái tại Trung tâm mua sắm Thái Lan (quận Phú Nhuận).

Chủ nhân mới của Metro trước đó cũng “thâu tóm” thành công chuỗi Family Mart, xây dựng lại mô hình theo chuỗi Bs mart chuẩn với dự tính sẽ mở mới thêm 100 cửa hàng mới và mong muốn có tới 300 cửa hàng tại Việt Nam vào cuối năm tới.

Trước khi thực hiện việc mua đứt chuỗi Metro Cash & Carry tại Việt Nam, từ năm 2010, tập đoàn này đã đầu tư vào Công ty Thai Corp International (TCI) và hiện đang nắm tỷ lệ sở hữu lên đến 75%. TCI là công ty chuyên về phân phối có các cơ sở giao dịch với khách hàng tại các tỉnh, thành với hơn 1.000 đại lý cho hơn 50.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Ngoài ra, tập đoàn BJC cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Việt Nam từ đầu năm 2012 với việc mở một nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Hãng cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An – nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam; hãng giấy Cellox; công ty sản xuất đậu phụ Ichiban. Với chuỗi siêu thị Bmart – thương hiệu lâu đời BJC, hãng tuyên bố sẽ bán 70% hàng hóa Thái Lan trong chuỗi này.

Nói về các DN Thái Lan tại thị trường Việt Nam, bà Hồ Đức Minh - Chánh văn phòng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: Ngoài tập đoàn BJC Thái Lan có mặt tại Việt Nam, cửa hàng mua sắm Robins của một nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan (Central Group) cũng đã mở ở Hà Nội vào tháng 3 và dự tính sẽ khai trương cửa hàng thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm nay.

Tập đoàn Central cũng đưa vào Việt Nam hệ thống bán lẻ Anh Marks & Spencer (M&S) thông qua việc mua nhượng quyền từ công ty Anh quốc. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 cửa hàng M&S được mở ở Việt Nam. Một tập đoàn khác của Thái Lan là CP Group có mặt tại Việt Nam từ năm 1990 với Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa – Đồng Nai.

Công ty C.P Việt Nam đang nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và khoảng 22% thịt gà công nghiệp tại Việt Nam. Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, năm 2012, C.P Việt Nam chiếm khoảng 18% thị phần. Với lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan và họ “đánh tiếng” 7Eleven cũng sẽ mở tại Việt Nam.

Ông Lý Thành Sinh – Giám đốc Công ty Minh Long Hưng cũng cho rằng, bản thân các DN Việt chưa có định hướng xây dựng thương hiệu nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi hàng Thái Lan tràn vào thị trường

Thúy Hà
.
.
.