Hải quan trang bị "mắt thần", tiêu cực vẫn xảy ra

Thứ Hai, 27/06/2011, 10:22
Hải quan điện tử là phương thức mới, được cho là giảm thời gian và thủ tục phiền hà, ngăn ngừa tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là ở con người. Không ít vụ, dù Hải quan đã trang bị "mắt thần" nhưng tiêu cực vẫn xảy ra, móc ngoặc chia chác trục lợi, thậm chí kín kẽ, tinh vi hơn.

Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, lực lượng điều tra chống buôn lậu của Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 6.038 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm trên 244 tỷ đồng (số vụ tăng 28,3%, trị giá hàng hóa tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2010).

Đáng chú ý, không ít vụ, vũ khí nóng vẫn tuồn về bằng đường hàng không. Khi bị phát hiện, khách hàng viện lý do mang súng từ nước ngoài về… làm kỷ niệm. Điển hình vụ Chi cục Hải quan sân bay Nội Bài phát hiện 2 hành khách mang theo 10 súng hơi. Cả hai không xuất trình được giấy tờ đầy đủ.

Hồi tháng 3/2011, cũng tại sân bay Nội Bài, Hải quan phát hiện và bắt giữ 17 súng dạng nòng dài vận chuyển từ Cộng hoà Séc về Việt Nam. Điều đáng nói là không rõ những vị khách này bằng cách nào đã mang trót lọt hàng chục khẩu súng lên máy bay, vượt qua chặng hành trình dài từ châu Âu về Việt Nam, trước khi bị phát hiện tại cửa khẩu Nội Bài?

Vụ việc xảy ra ngày 15/6 tại Hà Tĩnh cũng cho thấy việc kiểm soát tại cửa khẩu trên bộ còn lỏng lẻo khi để đối tượng mang súng ngắn vượt qua một cách dễ dàng. Chỉ tới khi lực lượng chức năng kiểm tra ôtô khách mới phát hiện súng giấu dưới ghế. Ôtô này chạy tuyến Viêng Chăn (Lào) về Hà Nội qua cửa khẩu Cầu Treo. Tổ công tác phát hiện dưới gầm ghế ngồi ở tầng 2 của xe có giấu khẩu súng K59. Người giấu súng được xác định là Đỗ Văn Chinh (22 tuổi, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Chinh khai khẩu súng trên là do Trần Thanh Hải (25 tuổi, trú tại Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) nhờ chuyển giúp. Hải làm nghề buôn bán cà phê ở Viêng Chăn, sau đó đã đến Đồn biên phòng Cầu Treo đầu thú. Hải lại khai nhận, khẩu súng trên do một người bạn tên Dũng, cùng ở Hà Nội, kinh doanh tiền tệ bên Lào thuê vận chuyển về Việt Nam với giá 500 USD. Sau khi nhận lời, Hải đã nhờ Chinh mang giúp.

Một chai rượu Blue Label hiện có giá hơn 2 triệu đồng, tuy nhiên đây là dòng rượu bị làm giả nhiều nhất thị trường.

Việc vận chuyển tiền tệ trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Điển hình như vụ Chi cục Hải quan Cốc Nam (Lạng Sơn) bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ với số lượng 329.500 nhân dân tệ. Tại Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai phát hiện đối tượng vận chuyển trái phép 134.000 nhân dân tệ. Riêng về hành vi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ tiền giả, mặc dù không phát hiện những vụ lớn song nhiều vụ thủ đoạn rất tinh vi.

Ngày 29/5, Công an huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) khởi tố Nguyễn Văn Đức (trú tại Yên Dũng, Bắc Giang) về hành vi buôn bán, vận chuyển tiền giả. Đức vượt biên trái phép sang chợ Lũng Nghịu (Trung Quốc) mua 6 triệu tiền giả, sau đó cuộn nhỏ và giấu kín trong hậu môn mang về Việt Nam tiêu thụ…

Hàng giả, nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn tại thị trường trong nước với đủ chủng loại. Thủ đoạn làm giả rất tinh vi, khó phát hiện, được các đối tượng buôn lậu đưa qua biên giới bằng nhiều con đường, chủ yếu là vận chuyển trái phép qua các khu vực đường biên và cất giấu theo người khi xuất nhập cảnh.

Hiện, các cơ quan chức năng tại Lạng Sơn, Quảng Ninh tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các khu vực biên giới, cửa khẩu không buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhiều hình thức tuyên truyền được thực hiện nhằm cung cấp thông tin cơ bản để người tiêu dùng biết, phân biệt rõ hàng giả với hàng thật, tẩy chay hàng nhập lậu…

Thuốc lá và rượu ngoại nhập lậu, rượu giả chiếm tỷ lệ khá lớn tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong khi số vụ thuốc lá nhập lậu bắt giữ được khá nhiều thì 6 tháng qua, hiếm có vụ rượu ngoại nhập lậu bị bắt. Khác với thuốc lá, thị trường rượu ngoại chủ yếu nóng bỏng bởi rượu ngoại làm giả với nhiều thủ đoạn tinh vi, người tiêu dùng khó phát hiện. 

Vấn đề được quan tâm gần đây là việc triển khai thủ tục hải quan điện tử. Ngành Hải quan đã trang bị máy móc công nghệ thông tin cho các cục hải quan tỉnh, thành phố, nâng cấp phần mềm thủ tục hải quan điện tử đáp ứng yêu cầu triển khai các loại hình mới (gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất…). Xây dựng và triển khai phần mềm giám sát, nối mạng tới các điểm giám sát để phục vụ việc xác nhận tờ khai điện tử qua các cửa khẩu giám sát…

Hải quan điện tử là phương thức mới, được cho là giảm thời gian và thủ tục phiền hà, ngăn ngừa tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là ở con người. Không ít vụ, dù Hải quan đã trang bị "mắt thần" nhưng tiêu cực vẫn xảy ra, móc ngoặc chia chác trục lợi, thậm chí kín kẽ, tinh vi hơn

Phan Đăng
.
.
.