Hải Phòng: Tận diệt thuỷ sản, hủy hoại môi trường sinh thái

Thứ Tư, 12/11/2014, 10:58
Theo Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Sở NN&PTNT Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 562 hộ ngư dân với 643 phương tiện khai thác thủy sản bằng lồng bát quái (nò, lợp, lừ xếp).

Trong đó, phần lớn ngư dân sử dụng lồng bát quái có kích thước mắt lưới nhỏ 2a (từ 8-12mm), vi phạm kích thước khai thác theo Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Ngư dân khai thác thuỷ sản bằng lồng bát quái quanh khu vực rừng ngập mặn, ven bờ. Đây là những lồng hình chữ nhật, cửa kiểu như hom giỏ (hom lồng), các loài thủy sinh chui vào là không thoát ra được. Mỗi lồng được nối với nhau thành hệ thống, giăng hàng cây số trên biển, các cửa sông. Phần lưới bao quanh những chiếc lồng này rất dày, mắt lưới rất nhỏ nên có thể vét được những con tép, con cá nhỏ. Nếu lưới này thả được trên sông và vùng biển cạn có thể hủy diệt tài nguyên ven bờ, đe dọa sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Do việc sử dụng ngư cụ đơn giản, đánh bắt cố định, tận thu các loài cá, tôm nhỏ, chưa trưởng thành, không kháng cự được với dòng chảy, hiệu quả khai thác cao nên được người dân sử dụng nhiều.

Được biết, lượng phương tiện khai thác thủy sản bằng lồng bát quái chiếm 78,7% tổng số tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 20cv và chiếm 16,5% tổng số tàu thuyền toàn thành phố. Qua đó, có sự tham gia của 1.183 lao động, chiếm 12,1% tổng số lao động trong ngành thuỷ sản. Nghề đánh bắt cá, tôm con bằng lồng bát quái tác động rất lớn đến nguồn lợi thuỷ sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khai thác hàng năm của ngư dân.

Theo kết quả điều tra, năm 2013, số lượng phương tiện khai thác thuỷ sản bằng lồng bát quái tăng 1,65 lần so với năm 2010 (390 phương tiện) nhưng năng suất, sản lượng khai thác có xu hướng giảm rất nhanh.

Ngư dân khai thác thủy sản ven bờ bằng lồng bát quái.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, việc sử dụng xung, kích điện, chất nổ đánh bắt thủy sản diễn ra khá phổ biến tại một số địa phương, trong đó có các huyện ngoại thành đang tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Với số tiền khoảng 2 triệu đồng, ngư dân đã sở hữu bộ đồ nghề kích điện gồm: một bình ắc quy 12V, một bộ kích điện, một bình nhựa và hai cần tự chế. Đây là một cách khai thác phản khoa học, phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản.

Từ đầu năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý 55/925 lượt tàu thuyền vi phạm các quy định của nhà nước về khai thác thuỷ sản và quản lý tàu cá. Trong đó, 11 trường hợp vi phạm Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản. Do thiếu hiểu biết, vì lợi ích trước mắt, ngư dân đã sử dụng các ngư cụ đánh bắt mang tính huỷ diệt, đe dọa sự sinh tồn, phát triển của nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp như: tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tại các xã, phường, thị trấn, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn đang bị buông lỏng.

Để khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường mặt nước, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm. Đồng thời, ngành NN&PTNT cần nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các ngư dân khai thác thủy sản bằng lồng bát quái, xung, kích điện; chính quyền địa phương cần rà soát lại các phương tiện hoạt động nghề cá trên địa bàn, quy hoạch phân tuyến khai thác, điều chỉnh cơ cấu nghề cho hợp lý

Đăng Hùng
.
.
.