Hải Phòng: Nhiều chương trình, dự án nuôi trồng thuỷ sản sắp "vỡ"

Chủ Nhật, 05/11/2006, 08:06

Nuôi trồng thuỷ sản hiện chiếm hơn 54% tổng giá trị sản xuất toàn ngành thuỷ sản Hải Phòng, là mũi nhọn quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Thế nhưng, 2 năm gần đây, nghề này lại rơi vào thế "lực bất tòng tâm", nhiều chương trình, dự án nuôi trồng đang đứng trước nguy cơ phá sản...

Theo qui hoạch tổng thể cho ngành thuỷ sản đã được thành phố phê duyệt giai đoạn từ năm 2001-2010 tập trung triển khai, thực hiện 7 dự án nuôi tôm công nghiệp tập trung, 5 dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi đất nông nghiệp sản xuất bấp bênh sang nuôi trồng thuỷ sản, chương trình nuôi cá lồng bè trên biển và nuôi đặc sản biển.

Dự án chồng lấn, chương trình "treo" vì thiếu đầu tư

Khi bước vào thực hiện, diện tích dành cho các dự án này bị "xà xẻo" quá nhiều. Chỉ tính trong 3 năm (2002-2005), diện tích nuôi trồng bị cắt đi hơn 3.000 ha. Nguyên nhân là do qui hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp mới, phát triển cảng biển bị chồng lấn với qui hoạch thuỷ sản. Một số dự án phải nhường lại điểm cho các dự án công nghiệp khi bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng...

Chưa hết, nhiều dự án như nuôi tôm công nghiệp đang bị "treo" vì thiếu vốn. Sau nhiều lần đề nghị, UBND TP quyết định bố trí tăng cường nguồn vốn cho vay từ quỹ quốc gia, giải quyết việc làm, giúp đỡ địa phương, đơn vị chủ dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế vùng.

Mặc dù vậy, các ngành liên quan không mấy "mặn mà" dẫn đến tình trạng chương trình, dự án "treo" chờ đầu tư. Theo Sở Thuỷ sản, năm 2006 với những lý do trên, hiện ngành thuỷ sản thành phố chỉ duy trì được 84 ha nuôi tôm công nghiệp. Đó là chưa kể chương trình nuôi cá rô phi xuất khẩu cũng đang bị "nằm" trên giấy, do không có kinh phí cải tạo chuyển đổi...

Với mức đầu tư trong mấy năm qua (trong khoảng 8 - 10 tỷ đồng) cho nuôi trồng thuỷ sản, kinh tế thuỷ sản Hải Phòng khó có thể đóng vai trò mũi nhọn, nếu không muốn nói đang "thấp thỏm nguy cơ phá sản".

Giải pháp nào cho nuôi trồng thuỷ sản?

Dự báo của Ban Kinh tế Thành ủy Hải Phòng, năm 2006, số lượng sản phẩm thuỷ sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 30% và không có khả năng thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn. Từ 3 năm nay giá trị hàng xuất khẩu chủ lực ngành thuỷ sản thành phố đều sút giảm từ 20 - 30%.

Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu chế biến, sản phẩm nuôi trồng luôn trong tình trạng cạn kiệt; chưa tạo mối liên kết giữa cơ sở nuôi trồng với cơ sở chế biến. Rút cục, các cơ sở cung cấp nguồn hàng từ sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản bị thu hẹp, nhiều chương trình dự án nuôi trồng không thực hiện được mà chủ yếu dựa vào nguồn khai thác, đánh bắt tự nhiên manh mún và năng suất thấp.

Tháng 10/2006, trong hội nghị tìm cơ hội cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản đạt 150 - 160 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu 200 triệu USD, sẽ không phải riêng ngành thuỷ sản mà thành phố tập trung tìm giải pháp cho ngành kinh tế mũi nhọn. Trước mắt, từ nay đến năm 2010 khảo sát, khôi phục lại những chương trình, dự án nuôi trồng thuỷ sản lớn theo hướng mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ cho nuôi trồng thuỷ sản và nghề cá xa bờ.

Theo đó, ngành thuỷ sản tiếp tục thực hiện đa dạng hoá phương thức nuôi, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và xuất khẩu, phát triển các vùng nuôi có sản lượng hàng hoá lớn, tập trung đầu tư sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống; cho phép người nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản được vay vốn ưu đãi để hình thành các trang trại theo chương trình và các dự án đã phê duyệt...

Mạnh Hừng
.
.
.