Hải Phòng: Dự án sản xuất muối chất lượng cao chỉ là trên giấy

Thứ Bảy, 28/10/2006, 08:02

Một dự án mở hướng công nghệ mới, có khả năng đưa đến sự thay đổi đột phá cho nghề muối Hải Phòng, đang rơi vào tình trạng "bế tắc", nhiều nguy cơ bị "phá sản" khi mới chỉ gặp một vài khó khăn bước đầu...

Theo Quyết định số 2396/QĐ-UB ngày 19/10/2005 của UBND TP Hải Phòng, Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất muối chất lượng cao" sẽ được triển khai trên diện tích 2ha tại HTX Đại Nghĩa (xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải). Tổng kinh phí dự án hơn 550 triệu đồng, trong đó kinh phí chuyển giao công nghệ 106 triệu đồng, phần còn lại huy động vốn của địa phương và nhân dân.

Dân kêu khó, cấp trên im lặng...

Thông tin từ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất muối chất lượng cao" là dự án chuyển giao công nghệ đầu tiên cho ngành muối Hải Phòng. Để dự án triển khai đạt hiệu quả, thành phố cho phép liên kết đầu tư của 4 đơn vị: Công ty Muối Hải Phòng, Phòng Nông nghiệp huyện Cát Hải, Trung tâm Khuyến nông thành phố và xã Nghĩa Lộ.

Dự kiến, sau khi xây dựng mô hình HTX Đại Nghĩa, UBND TP sẽ hỗ trợ nhân rộng ứng dụng công nghệ này trên diện tích 15ha (niên vụ 2006-2007), 50ha (niên vụ 2007-2008) và năm 2009 thực hiện 190ha trên địa bàn thành phố.

Cuối năm 2005 bước vào triển khai dự án, chính HTX Đại Nghĩa lại có công văn gửi Sở NN-PTNT và UBND huyện Cát Hải xin ngừng tiếp nhận dự án. Có 3 lý do mà tất cả các hộ dân đưa ra là không thể tiếp nhận được.

Thứ nhất, sau cơn bão số 2, 6, 7 năm 2005, toàn bộ hệ thống ô nề, bể chạt của diêm dân bị phá hỏng nghiêm trọng. Khắc phục những hệ thống này bình quân mỗi hộ dân phải bỏ ra 7 triệu đồng/hộ, chưa kể đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Trong khi đó, phần đầu tư của dự án chỉ đầu tư kinh phí chuyển giao công nghệ mà không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, để thực hiện sản xuất muối sạch theo dự án, người dân phải bỏ rất nhiều công sức, nhưng Công ty Muối Hải Phòng chỉ cam kết bao tiêu sản phẩm muối sạch trong thời gian một năm. Sau đó sản phẩm muối dân biết bán cho ai để thu hồi vốn? Thứ ba, khả năng đầu tư vốn đối ứng chỉ trong khuôn khổ 430 triệu đồng không thể nâng cấp công trình ruộng muối đáp ứng yêu cầu sản xuất theo công nghệ mới, các hộ dân không có khả năng lo thêm vốn đầu tư.

Từ yêu cầu của dân, ngày 1/11/2005, HTX Đại Nghĩa đã có công văn đề nghị thành phố cấp thêm kinh phí cho dự án nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Đặc biệt, UBND huyện Cát Hải, Công ty Muối Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông... đều im lặng và cũng không thấy đưa ra những giải pháp nào giúp các hộ dân...(?).

Ai vào cuộc với dân?

Qua tìm hiểu được biết, sau khi có quyết định phê duyệt dự án của UBND thành phố, "4 nhà" liên kết với địa phương thực hiện lúc đầu tỏ ra hào hứng, sau này né tránh tìm giải pháp đầu tư.

Trước hết, UBND huyện Cát Hải dường như chưa vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả, chỉ giao cho cấp cơ sở quản lý, vận hành trực tiếp, không có giải pháp hỗ trợ. Chưa kể, Công ty Muối Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông... như người "đứng ngoài", cốt để "đánh trống ghi tên", hướng dẫn chuyển giao quy trình là "xong".

Kết quả cuối cùng, một dự án mở hướng công nghệ mới, có khả năng đưa đến sự thay đổi đột phá cho nghề muối Hải Phòng đang rơi vào tình trạng "bế tắc" nhiều nguy cơ bị "phá sản".

"Vào cuộc" với diêm dân lúc này, không phải ai khác, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp chính quyền tìm giải pháp hỗ trợ diêm dân tận dụng các nguồn vốn đầu tư, phát triển ngành muối. So với nhiều dự án khác của thành phố, dự án sản xuất muối chất lượng cao quá nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa cải thiện đời sống của nhân dân duy trì nghề truyền thống vùng biển

Mạnh Hừng
.
.
.