Hạ lãi suất: Hỗ trợ DN “sống”, không thể làm “sống” DN “chết”
PV: Thưa ông, lãi suất huy động hạ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng luôn đảm bảo lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát. Nhưng nhiều người lại tính toán và cho rằng lãi suất tiền gửi đã thực âm. Ông có ý kiến như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nếu đưa các con số so sánh ngang bằng, lạm phát “quá khứ” đến thời điểm này (cuối tháng 4/2013) là 6,81%, thì lãi suất NH trả dưới 6,81% là thực âm. Tuy nhiên, đây là mức lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái (cuối tháng 4/2012). Còn trong tương lai, từ giờ đến cuối năm, theo nhiều dự báo, lạm phát “kỳ vọng” có thể ở mức 6,5%. Với kịch bản lạm phát này, thì nếu NH trả dưới 6,5% là thực âm, trên 6,5% là thực dương. Dĩ nhiên không có gì bảo đảm là lạm phát “kỳ vọng” sẽ xảy ra, và chính vì thế nhiều người dân dùng những chỉ số lạm phát qúa khứ như một thước đo để xác định lãi suất tiền gửi “thực âm” hay “thực dương”. Hiện trên thị trường NH có nhiều mức lãi suất khác nhau cho các kỳ hạn, nhưng trần lãi suất huy động dưới 12 tháng vẫn là 7,5%, tức là vẫn cao hơn chỉ số lạm phát quá khứ 6,81%, và do đó nhiều người xem đây là lãi suất “thực dương”.
PV: Nhưng trần là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác, vì mức lãi suất thấp nhất đã về 5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đây là vấn đề tôi muốn nói đến: không phải lúc nào NH cũng trả lãi suất thực dương, vì ngay cả bên Mỹ, cũng có những lúc, họ cũng trả lãi suất thực âm. Song, việc thực âm hay dương phụ thuộc vào các kênh đầu tư khác cùng thời điểm trên thị trường, cụ thể ở đây có thể kể đến là vàng, chứng khoán, bất động sản và ngoại hối. Nếu các kênh đầu tư này rủi ro cao và khả năng sinh lời thấp, thì ngay cả khi lãi suất NH thực âm, người gửi tiền cũng còn có lãi hơn là đầu tư kênh khác, đồng thời mức độ an toàn đồng tiền người dân gửi tại NH trong lúc này được xem là an toàn nhất. Tuy nhiên, để đầu tư một cách khôn ngoan thì với một số tiền bỏ ra để đầu tư lớn, người dân hay nhà đầu tư nên phân bổ tiền đầu tư vào nhiều mảng khác nhau, chẳng hạn 60% vào tiền gửi NH, 20% vào BĐS (nếu có những kênh đầu tư thích hợp vào lĩnh vực này), 10% tiền gửi ngoại tệ (với điều kiện sở hữu ngoại tệ hợp pháp), và 10% vào vàng (với mục đích tích góp tài sản chứ không phải kinh doanh). Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là “không bao giờ bỏ tất cả mọi quả trứng trong một giỏ”.
PV: Tức là trong thời điểm này, NH có thể yên tâm là vốn vẫn ở lại?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Các NH không có gì đảm bảo là sẽ giữ được chân khách hàng khi hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong thời điểm này, theo tôi, sẽ không có chuyện rút tiền ồ ạt, vì so với mức lãi 7,5%/12 tháng thì vẫn được xem là lãi lớn. Mặt khác, có nhiều mức lãi suất cho khách hàng lựa chọn, thay vì gửi ngắn hạn thì có thể gửi dài hơn, kỳ hạn trên 12 tháng với lãi suất thỏa thuận. Hơn nữa, chỉ các NH lớn mới hạ lãi suất xuống sâu, còn các NH nhỏ thì vẫn giữ. NH lớn, họ có lợi thế về uy tín, thương hiệu, nên dù có hạ lãi suất, họ cũng chả sợ thiếu đầu vào. Đối với những khách hàng nhỏ lẻ thì không nói, nhưng với các khách hàng lớn, đổi NH cũng chẳng khác gì một cuộc chuyển nhà. Điều đó sẽ đồng nghĩa với thay đổi tài khoản, thông báo với các bên giao dịch, tìm hiểu các quy định, các chế độ mới ở NH mới. Điều này gây không ít phiền toái, rắc rối, nên khách hàng sẽ phải tính toán và tôi cho rằng, họ cũng sẽ không dễ khi quyết định thay đổi NH.
PV: Vâng, nhưng cũng ghi nhận một điều rất tích cực đó là cùng với hạ lãi suất huy động, các NH cũng kéo lãi suất cho vay hạ xuống, đặc biệt là các khoản vay cũ đều đưa về 13%/năm. Tuy nhiên, nhiều DN dường như không còn niềm tin vào việc hạ lãi suất, và họ cho rằng với hàng loạt rào cản về tiêu chí cho vay, có hạ lãi suất, họ cũng không tiếp cận được vốn?
TS Nguyễn Trí Hiếu: DN cũng phải chia ra làm nhiều loại. Với những DN không có nhu cầu vay vốn vì hàng tồn kho quá cao, sản xuất chỉ thêm lỗ, nên vay vốn NH chỉ làm cho gánh nặng tài chính thêm tăng, những DN này có giảm lãi suất về 0% cũng vô nghĩa. Đối với những DN này, phải có chính sách tài khóa, hỗ trợ về thuế, chính sách đầu tư, giải phóng hàng tồn kho… mới cứu được họ. Còn những DN sức khỏe yếu kém thì các NH lại tránh xa, vì họ biết rằng cho các DN này vay, sớm muộn gì cũng sẽ thành nợ xấu, nợ khó đòi. Thậm chí, có một quy luật bất biến đó là lãi suất càng hạ, thì các tiêu chí cho vay sẽ càng được nâng lên, siết chặt thêm. Thế nên, NH trở nên “khó tính”, còn DN sẽ dễ bị “hắt hủi” hơn khi mà NH hạ lãi suất. Phải chấp nhận một thực tế là DN tốt, thì NH trải thảm đỏ chào mời, còn DN không tốt, NH quay mặt và dĩ nhiên cho vay là chuyện không xảy ra. Đây chính là điều nghịch lý, vì chính trong tình trạng kinh tế khó khăn như lúc này, thì các DN lại càng cần NH hơn bao giờ hết. Bên Mỹ có câu nói “NH cho chúng ta cái ô dù khi trời nắng nhưng lại cất cái ô dù khi trời mưa”. Với thái độ nghịch lý như thế, thì không thể chỉ trông chờ các NH giải quyết vấn đề, mà cần bàn tay vô hình của chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Tôi nghĩ Quốc hội và chính phủ nên khai triển một quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương để bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ đi vay vốn của NH, vì những DN, bản thân họ không đủ sức chống đỡ sự suy thoái kinh tế và không còn khả năng đi vay.
Ảnh mang tính chất minh họa: Thiện Hoàng |
PV: Tức là vẫn “nước chảy chỗ trũng” đúng không ạ? Nhưng các DN lại cho rằng khi hạ lãi suất, NH có lợi vì họ sẽ đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho DN. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Hạ lãi suất sẽ tác động vào 2 nhóm đối tượng. Một là các DN đang vay vốn có khả năng trả nợ tốt, thì việc hạ lãi suất sẽ giúp họ hạ được chi phí, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Còn với DN khó khăn, nhưng vẫn có khả năng phục hồi và phát triển, nếu được các NH tái cơ cấu một cách hợp lý, được đảo nợ, dùng nợ mới trả cho nợ cũ, và được hưởng lãi suất thấp hơn trước, cũng là một giải pháp để giúp DN giải quyết bớt gánh nặng nợ nần. Nhưng đây là với DN tuy khó khăn nhưng vẫn có khả năng trả nợ. Riêng với DN không có khả năng trả nợ, chết lâm sàng, thì đảo nợ cũng không giúp được gì.
PV: Vậy là để “cắn răng” hạ lãi suất, các NH cũng phải chấp nhận thiệt thòi, giảm lợi nhuận?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Điều này thì chắc chắn. Trong điều kiện hiện nay, cho vay mới gặp khó khăn, nhiều NH chủ yếu chỉ dựa vào các khoản vay cũ để kiếm lợi nhuận. Mà nay các khoản vay cũ lại bị hạ lãi suất từ 15% xuống 13% như NHNN đã chỉ đạo, thì việc hạ lãi suất cho vay cho những khoản vay hiện hữu là một thiệt hại cho họ. Đây cũng lại thêm một điều có vẻ nghịch lý nữa là theo nguyên tắc về rủi ro. Lợi nhuận đi cùng chiều với rủi ro: lợi nhuận giảm rủi ro giảm và ngược lại. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, rủi ro tăng vì những khó khăn trong các ngành kinh tế, nhưng lãi suất cho vay lại cần phải hạ xuống thì có vẻ logic này đang bị đảo ngược: lợi nhuận và rủi ro đi ngược chiều nhau nên NH sẽ là người chịu thiệt. Đây cũng là điều đáng cho tất cả chúng ta quan tâm.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!