Hà Nội: Một tháng thu giữ gần 10 tấn mỹ phẩm lậu

Thứ Sáu, 26/10/2007, 10:20
Bùng nổ việc kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm nhái, rởm, đặc biệt khi nó mang nhãn hiệu sản xuất ở Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức… đang là vấn đề nóng không thể kiểm soát, thậm chí là bó tay của các cơ quan chức năng ở Hà Nội.

Trong 1 tháng qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra phát hiện và tịch  thu gần 10 tấn mỹ phẩm nước ngoài không rõ nguồn gốc, không có số đăng ký lưu hành của Cục Quản lý dược Việt Nam, không tem nhập khẩu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đang được bày bán tràn lan ở nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm và các cơ sở làm đẹp thẩm mỹ.

Những con đường mỹ phẩm lậu vào Hà Nội

Theo quy định mới ban hành, từ tháng 4/2007, những mặt hàng như sữa tắm của nước ngoài cũng như trong nước khi lưu hành ở Việt Nam đều phải được Cục Quản lý dược cấp số đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 10, khi dạo qua nhiều đại lý kinh doanh mỹ phẩm lớn của Hà Nội, trong hàng nghìn sản phẩm bày bán, chúng tôi rất khó để chọn được loại sữa tắm có số đăng ký lưu hành của Cục Quản lý dược.

Ông Nguyễn Đình Quang, Đội phó Đội QLTT số 12 cho biết, kết thúc tháng kiểm tra liên ngành vừa qua, có một thực tế đáng báo động là trên 90% những cơ sở kinh doanh mỹ phẩm và thẩm mỹ đều vi phạm, tịch thu trên 4 tấn mỹ phẩm để làm rõ.

Theo ông có 2 con đường cơ bản nhất đưa mỹ phẩm lậu, mỹ phẩm rởm vào Hà Nội là nhập lậu qua các cửa khẩu biên giới và hàng xách tay từ nước ngoài về. Nguy hiểm là những kiểu "xâm nhập" thế này khi vào thị trường lại bị thả nổi, khó kiểm soát và người tiêu dùng thì vẫn đón nhận.

Khu vực Gia Ngư là điển hình cho việc kinh doanh mỹ phẩm rởm, mỹ phẩm nhái. Những hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Lancome, Ponds, Essance được bày trên mẹt bán với giá cực rẻ. Tuy chất lượng có khi vừa sử dụng đã mang họa vào thân nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.

Ngay như công ty kinh doanh mỹ phẩm tương đối sang trọng ở 104B Phố Huế chuyên kinh doanh mỹ phẩm Hàn Quốc, mỗi sản phẩm có giá tiền triệu đến chục triệu đồng nhưng đều là hàng nhập lậu bằng con đường xách tay, không ai biết ở Hàn Quốc có còn được lưu hành hay không?

Nguy hại đến nhan sắc và sức khỏe của phụ nữ chính là việc tự ý ghi hạn sử dụng của người kinh doanh lên sản phẩm. Vụ phát hiện và tịch thu 3 tấn mỹ phẩm nhập lậu của Đội QLTT số 1 tại kho chứa hàng 46 Bảo Linh, phường Nghĩa Tân là một ví dụ. Tất cả 3 tấn kem làm trắng da Artis; thuốc ủ tóc Alnat… đều không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Theo ông Nguyễn Công San, Đội trưởng Đội QLTT số 1, chủ kinh doanh sẽ in hạn sử dụng tuỳ ý lên bao bì nếu số hàng này vận chuyển trót lọt.

Mua mỹ phẩm an toàn ở đâu?

Ông Quang cho biết, rất nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi về vấn đề này nhưng quả thật, chọn mua mỹ phẩm an toàn ở đâu thì quả là rất khó. Ngay cả vào chính hãng, chưa chắc đã yên tâm.

Ông Quang cho biết, trong 1 tháng kiểm tra liên ngành vừa qua, ngay cả những điểm vốn coi là nổi tiếng và an toàn cũng có vi phạm, như vậy người tiêu dùng biết lựa chọn ở đâu?

Kiểm tra ở siêu thị Metro trên đường Nguyễn Tam Chinh, quận Hoàng Mai cũng phát hiện 4 đơn vị sản phẩm có vi phạm, xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Hay việc kiểm tra gian hàng 21-22 ở siêu thị Tháp Hà Nội, chuyên kinh doanh mặt hàng Shiseido nổi tiếng của Nhật cũng có vi phạm, phạt tiền 4 triệu đồng. Những cái tên rất cuốn hút chị em phụ nữ như Công ty TNHH Mỹ phẩm và Trang điểm Hàn Quốc tại 301 Giảng Võ nhưng khi kiểm tra cũng vi phạm...

Ông Quang cũng cảnh báo đến việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín để làm đẹp của chị em phụ nữ. Qua kiểm tra 3 cơ sở thẩm mỹ là cơ sở chăm sóc sắc đẹp 8/495 Trần Khát Chân; cơ sở thẩm mỹ Hoài Anh ở 219 Chùa Láng và cơ sở thẩm mỹ Loan Anh ở 122 Nguyễn Chí Thanh thì cả 3 cơ sở này đều vi phạm, đã tạm giữ 209 đơn vị sản phẩm (chủ yếu là không nhãn mác, không có số đăng ký lưu hành…).

Nhìn vào kết quả kiểm tra đột xuất 21 cơ sở vừa qua thì chỉ có 2 cơ sở là Công ty TNHH Thị trường quốc tế Việt Nam ở 27 Nguyễn Khắc Hiếu và Công ty cổ phần Sao Thái Dương ở 92 phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai là không có vi phạm, còn lại 19 cơ sở, công ty đều vi phạm.

Trước bức tranh khá ảm đạm của thị trường mỹ phẩm ngoại ở Hà Nội, người tiêu dùng còn rất thờ ơ với hàng sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí có các sáng chế khoa học và được đánh giá cao.

Cả nước hiện có 300 cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước, nhưng mức tiêu thụ trên thị trường hiện vẫn còn rất thấp, thậm chí là nhỏ giọt. Bao giờ mỹ phẩm nội lên ngôi? Có lẽ đây là thời điểm người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm an toàn cho mình

Trần Hằng - An Bình
.
.
.